Các nhà khoa học Đức và Na Uy mới đây đã đưa thêm nhiều bằng chứng củng cố cho giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Theo nghiên cứu sắp được công bố của chuyên gia về ung thư người Anh, giáo sư Angus Dalgleish, và nhà khoa học Na Uy, tiến sĩ Birger Sørensen, khi phân tích các mẫu Covid-19 để phát triển vaccine vào năm ngoái, họ nhận thấy "dấu vết khác thường" chỉ có thể do thao tác trong phòng thí nghiệm. Mặc dù vào thời điểm đó, phát hiện này bị các tạp chí khoa học lớn từ chối.
Sau khi nghiên cứu sâu hơn, giáo sư Dalgleish và tiến sĩ Sørensen đưa ra báo cáo dài 22 trang và kết luận "SARS-Coronavirus-2 không hẳn có nguồn gốc tự nhiên" và virus này được tạo ra trong một phòng thí nghiệm là "nghi ngờ chính đáng".
Theo hai chuyên gia, "SARS-Coronavirus-2 (hay SARS-CoV-2) không có tổ tiên rõ ràng nào trong tự nhiên", và việc giải trình tự các protein của chủng virus chết người này cho thấy việc nó đã được chỉnh sửa về gen, được cho là tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, là "không còn nghi ngờ gì nữa".
"Với các định luật vật lý thì bạn không thể có bốn amino acid tích điện dương liên tiếp. Cách duy nhất bạn có thể có được điều này là sản xuất nó nhân tạo", giáo sư Dalgleish nhận định. Do đó, nhiều khả năng, các nhà khoa học Vũ Hán đã lấy thành phần virus corona trong tự nhiên được tìm thấy ở loài dơi hang động và ghép, tạo thành Covid-19.
Mặc dù vậy, Gunnveig Grødeland, nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Oslo, Na Uy và một số nhà khoa học khác đã không đồng tình với nghiên cứu của Dalgleish và Sørensen. Bà cho biết, khi nghiên cứu xuất hiện lần đầu vào tháng 6/2020, bà giải thích cái gọi là "chuỗi được chèn vào" để tạo ra virus gây Covid-19 có thể gây ra bệnh nghiêm trọng hơn, nhưng không bất thường về bản chất, vì có thể được tìm thấy ở một số loại virus như virus cúm, HIV và một số virus corona ở người (MERS, OC43, HKU1).
Chính vì vậy, các lý thuyết về sự rò rỉ từ một phòng thí nghiệm và sự lây lan truyền từ động vật đều vẫn tồn tại và cần được xem xét cẩn thận.
Có thể thấy, những tranh cãi gần đây về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 đang làm nóng lên giả thuyết virus gây Covid-19 rò rỉ từ phòng nghiên cứu thuộc Viện Virus học Vũ Hán. Trong năm 2020, các nhà khoa học và giới truyền thông có xu hướng coi khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm là rất nhỏ, và việc virus lan truyền từ động vật sang con người có thể dễ xảy ra hơn.
Tuy nhiên, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, các đánh giá liên quan đến giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm vẫn chưa đủ sâu rộng. Vào ngày 26/5, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo của Mỹ tiến hành thêm các điều tra xung quanh giả thuyết này và báo cáo trong vòng 90 ngày.
Giới quan sát nhận định, sở dĩ có nhiều ý kiến kêu gọi điều tra về giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thì nghiệm là do báo cáo điều tra của các chuyên gia WHO khẳng định rằng việc rò rỉ như vậy là rất khó xảy ra, trong khi họ chưa từng điều tra bất kỳ phòng thí nghiệm nào của Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu đã đến thăm phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng không tiến hành điều tra do đây không phải nhiệm vụ của họ.
Do đó, báo cáo được thực hiện cùng với các nhà khoa học Trung Quốc đã thu hút nhiều chỉ trích từ chính phủ Hoa Kỳ và những nhà khoa học khác khi cho rằng chính phủ Trung Quốc đã không hợp tác đầy đủ và hạn chế quyền tiếp cận thông tin của các nhà khoa học quốc tế nhằm loại bỏ giả thuyết virus xuất phát từ phòng thí nghiệm.
Mặt khác, và vào thời điểm Covid-19 bắt đầu bùng nổ, virus SARS-CoV-2 đã trở thành một trong những chủng virus lây nhiễm mạnh nhất và có thể dễ dàng lây lan từ người sang người. Điều này cho thấy virus đã có một khoảng thời gian đủ dài để thích nghi trong cơ thể con người. Và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 đã lây lan trong vài tuần, trước khi các trường hợp đầu tiên đã được công bố.
Michael Worobey, một nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Arizona nhận định, mong muốn chung của giới khoa học là các cuộc điều tra nguồn gốc của virus cần được thực hiện một cách thoải mái, tự do và không mang màu sắc chính trị hoặc có sự can thiệp từ bất kỳ một chính phủ nào. “Nếu không đánh giá sâu về khả năng virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm một cách chặt chẽ, việc này sẽ tạo thành một tiền lệ để ngăn cản các cuộc điều tra và nghiên cứu khác trong tương lai”. - Michael Worobey nói.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ - Trung tiếp tục "nóng" tranh cãi nguồn gốc virus SARS-CoV-2
05:15, 28/05/2021
Mỹ và các nước thúc giục tiếp tục điều tra về nguồn gốc virus gây COVID-19
14:35, 31/03/2021
Mọi giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn bị "bỏ ngỏ"
08:33, 30/03/2021
Bác bỏ thông tin nguồn gốc virus gây COVID-19 lây lan qua thực phẩm
11:04, 20/02/2021