VGC sẽ gặp khó khăn trong năm 2023 do áp lực

VGC sẽ gặp khó khăn trong năm 2023 do giảm tốc doanh thu và lợi nhuận

VGC là một trong những doanh nghiệp vật liệu xây dựng (kính, gạch ốp lát và sứ vệ sinh), đồng thời là chủ đầu tư của 11 khu công nghiệp với 879 ha đất còn lại sẵn sàng cho thuê tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Trong đó, một số khách hàng lớn của VGC như Samsung, Accor,….

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 năm 2022 cho thấy, doanh thu thuần đạt 3,2 nghìn tỷ đồng tăng 45% so với cùng kỳ, với mảng vật liệu xây dựng (kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch granite & ceramic, gạch ngói - chiếm 79% tổng doanh thu) tăng trưởng mạnh (tăng 72,8% so với cùng kỳ).

Doanh thu từ vật liệu xây dựng tăng trưởng 5,8% so với kết quả trước Covid (năm 2019). Đặc biệt, doanh thu từ kính xây dựng tăng 198% so với cùng kỳ do nhu cầu kính xây dựng phục hồi giúp giá kính tăng lên. Doanh số bán thiết bị vệ sinh và gạch granit & ceramic tăng. Ngoài ra, VGC đã cho thuê 11 ha tại Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng, Đông Hà, Phú Hà và các khu công nghiệp khác, giúp doanh thu hoạt động KCN đạt 406 tỷ đồng. Giá thuê trung bình tăng 11% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 264 tỷ đồng tăng 26%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của VGC lần lượt đạt 11,3 nghìn tỷ đồng hoàn thành 120% kế hoạch năm 2022.

Tuy nhiên SSI cho rằng, tăng trưởng trong quý 4 năm 2022 dự kiến sẽ giảm tốc. Dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2022 lần lượt đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ) và 211 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ) do nhu cầu vật liệu xây dựng giảm và những thách thức của thị trường bất động sản. Đồng thời, giá kính xây dựng giảm 7~8% so với đầu năm.

Trong quý 4 năm 2022, VGC có thể sẽ cho thuê 10ha đất khu công nghiệp với mức giá cao hơn 10% so với cùng kỳ. Cho cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế, dự kiến lần lượt đạt 13,8 nghìn tỷ đồng (tăng 23,6% so với cùng kỳ) và 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 47,3% so với cùng kỳ). Nhưng  lợi nhuận của VGC năm 2023 dự kiến sẽ kém khả quan hơn, khi giá kính xây dựng dự kiến sẽ giảm và các khu công nghiệp tại Bắc Ninh không còn nhiều quỹ đất cho thuê. 

SSI dự báo doanh thu thuần VGC năm 2023 là 11,6 nghìn tỷ đồng giảm 16,2% so với cùng kỳ. Doanh thu kính xây dựng dự báo đạt 2,1 nghìn tỷ đồng giảm 25% so với cùng kỳ – chiếm 18% tổng doanh thu. Sự sụt giảm này là do giá bán giảm 16% so với cùng kỳ và nhu cầu yếu hơn, mặc dù nhà máy kính Chu Lai (một trong những đối thủ cạnh tranh của VGC, chiếm 15% thị phần kính xây dựng) vẫn chưa hoạt động trở lại sau khi đóng cửa để sửa chữa vào năm 2022.

Theo báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán VCBS, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của VGC sẽ gặp nhiều áp lực trong quý cuối năm 2022 và 2023.

VCBS cho rằng, về mảng bất động sản khu công nghiệp, các dự án sẵn sàng có thể cho thuê hiện tại như Yên Phong IIC, Phú Hà, Hài Yên, Tiền Hải, Phong Điền có biên lợi nhuận thấp và diện tích cho thuê còn lại không còn quá nhiều.

Do vậy áp lực tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023 sẽ rất lớn đối với VGC. Về mảng bất động sản (BĐS) dân cư, VGC đã hạch toán phần lớn các khu đô thị đã bán như khu đô thị Đặng Xá và còn lại các dự án nhà ở xã hội do đó tiềm năng hạch toán trong năm 2023 sẽ không nhiều.

Về mảng vật liệu xây dựng, động lực tăng trưởng lớn của năm 2022 là kính xây dựng và gạch ốp lát gặp nhiều thách thức trong năm 2023. Hiện nay, giá kính đang có đà giảm mạnh sau khi nguồn cung trong nước hồi phục từ nhà máy kính nổi Chu Lai và nhu cầu sụt giảm. Gạch ốp lát chịu áp lực lớn từ nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh do thị trường bất động sản không có nhiều nguồn cung mới và  giá năng lượng duy trì mức cao gây ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, 195 công ty duy trì hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giai đoạn 2022 - 2025 (danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025). Kế hoạch cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025; và giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp. Còn lại 21 doanh nghiệp sẽ thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn năm 2022 - 2025..

Đáng chú ý, theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ thoái sạch vốn tại ba doanh nghiệp gồm Tổng công ty Viglacera (sở hữu 35,58% vốn điều lệ), Tổng công ty Cơ khí xây dựng (sở hữu 98,76% vốn điều lệ), Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (sở hữu 49,04% vốn điều lệ) và tăng sở hữu tại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) lên 51%.