Năm 2020 là một năm đáng nhớ trong lịch sử của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng trên hết, đại dịch Covid-19 để lại dấu ấn mạnh nhất khi nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái nặng nề, không trừ một nền kinh tế quốc gia nào, không một hoạt động hay một lĩnh vực kinh tế nào không phải dừng lại và thiệt hại….

Bài viết này muốn điểm lại những thiệt hại mà Covid-19 đã gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020, nhưng quan trọng hơn là xem xét những nhân tố có thể tác động đến kinh tế thế giới 2021 để từ đó dự báo triển vọng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021, trong đó có Việt Nam.

COVID-19, Vaccine và triển vọng phục hồi chữ V

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội những tháng đầu năm nền kinh tế toàn cầu rơi tự do, đơn giản, bởi vì mọi hoạt động của con người phải dừng lại vì mối đe dọa đến sức khỏe.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bản chất của cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra khác nhiều với những cuộc suy thoái kinh tế trước đây. Suy thoái lần này là do yếu tố ngoại sinh là Covid-19, nó tạo ra một tình huống tựa như chiến tranh vậy. Điều này khiến mọi hoạt động kinh tế phải ngừng đột ngột. Trong khi đó các cuộc suy thoái mang tính kinh tế trước đây bắt nguồn từ yếu tố nội sinh, nghĩa là bản thân bộ máy nền kinh tế bị hỏng. Điều này gây ra những trục trặc, đổ vỡ trong hệ thống kinh tế, tài tính rất khó khắc phục.

Suy thoái do Covid-19 gây ra chỉ đơn giản là như đoàn tàu tạm ngừng lại. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì mọi hoạt động sẽ nhanh chóng phục hồi. Đó là lý do giải thích tại sao trong lần suy thoái này các thị trường tài chính không bị tác động quá mạnh trong khi nền kinh tế thực bị tổn hại nặng nề. Vì vậy, dễ dàng nhận thấy rằng vai trò của vaccine là quan trọng như thế nào. Chừng nào chưa có vaccine thì đừng bao giờ nghĩ đến sự phục hồi thực sự của nền kịnh tế toàn cầu.

Nền kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ bật tăng mạnh vào nửa cuối 2021. Ảnh (Pháo hoa đón năm mới 2021 trên Cảng Sydney, Australia. Ảnh: AFP)

Nền kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ bật tăng mạnh vào nửa cuối 2021. Ảnh (Pháo hoa đón năm mới 2021 trên Cảng Sydney, Australia. Ảnh: AFP)

May thay, sự thần kỳ trong y học đã giúp loài người thoát khỏi được đại dịch như lần này một cách nhanh chóng đến kỳ lạ. Thay vì phải phải mất nhiều năm như trong quá khứ thì lần này chưa đầy một năm có nhiều loại vaccine công hiệu đã ra đời. Chủ tịch Tổ chức Y tế Thế giới thì phát biểu rằng thế giới có thể mơ đến sự kết thúc đại dịch được rồi.

Với việc vaccine covid đã bắt đầu được tiêm chủng và mùa hè của năm 2021, có thể dự báo được nền kinh tế toàn cầu sẽ trở lại bình thường từ cuối quý II hay đầu quý III/2021. Do đó, nhiều khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ bật tăng mạnh vào nửa cuối 2021.

Bidenomics và sự tác động

Một yếu tố được xem là có tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu trong vài năm qua là chính sách kinh tế đối ngoại của Trump, gọi là Trumpomics. Tác động lớn nhất của chính sách này là làm thay đổi dòng thương mại và đầu tư trên toàn cầu vì nâng thuế nhập khẩu đánh vào những đối tác mà Trump cho là thương mại không công bằng với Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 với chiến thắng thuộc về ông Biden, có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra hiện nay là những thay đổi đó nếu có là gì? Chúng có ý nghĩa thế nào với kinh tế toàn cầu?

Dù Bidennomics là chưa rõ ràng tính đến thời điểm hiện tại, thì về cơ bản chính sách của Biden đối với Trung Quốc vẫn sẽ là cứng rắn, theo các nhà phân tích. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là những cấu phần nào của Bidenomics sẽ có tác động đến kinh tế toàn cẩu trong năm 2021?

Câu trả lời đó là chính sách thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và chính sách buộc các chuỗi sản xuất cung ứng phải di rời khỏi Trung Quốc.

Về thuế, ông Biden chưa tiết lộ cụ thể chính sách của mình mà chỉ nói đại thể là sẽ xem xét lại (Josh Zumbrun, Yuka Hayashi, 9/11/2020). Nhưng theo các chuyên gia phân tích ông Biden sẽ có lợi thế khi dùng thuế mà ông Trump xây dựng để làm quân bài mặc cả với Trung Quốc. Đó là một hành động khôn ngoan, và điều này có nghĩa là nhiều khả năng sẽ không có sự thay đổi nào trong ngắn hạn đối với chính sách thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu ngưng trệ vào năm 2020, nhưng IMF dự báo sẽ hồi phục nhanh chóng trong năm 2021. Nguồn: IMF

Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu ngưng trệ vào năm 2020, nhưng IMF dự báo sẽ hồi phục nhanh chóng trong năm 2021. Nguồn: IMF

Về chuỗi sản xuất và cung ứng, ông Biden xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, theo đó công nghệ là một lĩnh vực cạnh tranh quan trọng. Do vậy, việc dịch chuyển các chuỗi sản xuất và cung ứng ro khỏi Trung Quốc là một chính sách gần như bắt buộc. Hơn nữa, Covid-19 cho thấy rằng việc để các chuỗi sản xuất và cung ứng ở Trung Quốc là một nguy cơ an ninh quốc gia, ông Biden chắc chắn hiểu rõ điều này.

Những thay đổi trong cách làm của chính quyền Biden khá chắc chắn sẽ xảy ra là: mức độ cứng và sốc giảm bớt, và có sự phối hợp với đồng minh để xử lý đối phó với Trung Quốc, chứ không theo cách đơn độc, và bắt nạt cả đồng minh như Trump.

Từ đó có thể nhận định rằng, Bidenomics không làm thay đổi chiều hướng thương mại và đầu tư toàn cầu mà chỉ thay đổi tốc độ theo chiều hướng từ từ hơn, và mềm hơn. Nói cách khác, Bidenomics ít tác động đến tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021.

Đồng Đôla yếu và áp lực lạm phát toàn cầu 

Nhằm đưa nền kinh tế phục hồi về sản lượng và việc làm trở lại mức trước đại dịch Fed và chính phủ Mỹ đã đưa ra gói cứu trợ và kích thích khổng lồ. Khi phục hồi kinh tế trở lại sau covid điều này tất yếu dẫn đến lương tăng nhanh khiến lạm phát tăng theo. Đồng Đôla vì thế được dự báo sẽ suy yếu trong một khoảng thời gian. Điều này đến lượt nó sẽ gây áp lực lạm phát lên phần còn lại của kinh tế toàn cầu.

Dự báo, sự phục hồi kinh tế thế giới sẽ mạnh mẽ kể từ giữa năm 2021 và Fed nhiều khả năng chưa thay đổi chính sách lãi suất ít nhất cho đến hết năm. Như vậy có thể dự đoán sơ bộ lạm phát nếu có sẽ xuất hiện vào cuối năm 2021. Nếu giá cả tăng các ngân hàng trung ương cần cẩn trọng với khuynh hướng này trong điều hành chính sách tiền tệ của mình.

Nhiều công ty của Nhật Bản đang xem xét đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. (Công nhân làm việc trong một nhà máy ở tỉnh Thiểm Tây - Trung Quốc. Ảnh: Kyodo News)

Nhiều công ty của Nhật Bản đang xem xét đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. (Công nhân làm việc trong một nhà máy ở tỉnh Thiểm Tây - Trung Quốc. Ảnh: Kyodo News)

Vấn đề nợ và vỡ nợ 

Trước Covid-19 tình trạng nợ trên toàn cầu đã là một vấn đề rồi, với các chương trình kích thích khổng lồ trên nhằm khắc phục suy thoái do covid gây ra thì nợ sau covid sẽ là một vấn đề không nhỏ, nếu không kiểm soát tốt bất ổn có thể xảy ra với kinh tế thế giới vì tình trạng vỡ nợ. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng sau covid có thể xuất hiện làn sóng nợ “thứ tư” ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, có thể xảy ra tình trạng vỡ nợ và gây khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước ở Trung Quốc trong vài tháng cuối 2020 cũng là một ví dụ điển hình về nợ và rủi ro vỡ nợ do Covid-19. Nếu các nhà làm chính sách không thể kiểm soát tốt tình hình, thì rủi ro một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra. Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2021 là chưa cao vì lãi suất vẫn sẽ thấp đồng thời với tình trạng phục hồi kinh tế toàn cầu. Dù vậy, gánh nặng nợ nần sẽ đặt ra nhiều giới hạn hành động đối với các chính phủ trong những chính sách kích thích tăng trưởng sau đại dịch.

Hàm ý cho Việt Nam

Sự ra đời của vaccine Covid-19 sẽ giúp kinh tế toàn cầu trở lại bình thường từ nửa sau năm 2021 và nhiều khả năng sẽ có sự bùng nổ kinh tế trên toàn cầu trong nửa cuối 2021. Chính quyền Biden và Bidenomics sẽ ít tác động đến triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021.

Rủi ro lạm phát gây bất ổn là có trong năm 2021 nhưng chưa nghiêm trọng. Rủi ro vỡ nợ và khủng hoảng tài chính cũng không cao trong năm 2021 nhưng các chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn trong các chính sách kinh tế vĩ mô khi dư địa bị thu hẹp vì nợ cao.

Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ sự bùng nổ kinh tế trong năm 2021 vì nền kinh tế phụ thuộc vào bên ngoài. Các hoạt động thương mại, đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh trong năm 2021, đặc biệt là từ nửa cuối năm. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh, đi cùng với đó, thương mại cũng sẽ bùng nổ. Các lĩnh vực như hàng không, du lịch, dịch vụ, giao thông sẽ tăng trưởng mạnh nhất và cần có kế hoạch chuẩn bị đón thời cơ...