Một lần “trà dư tửu hậu” với ông anh làm “Tổ chức”, ông hỏi: Theo chú, về công tác cán bộ cái gì là khó nhất? Cả bàn mỗi người lý luận một kiểu, cuối cùng ông anh chốt hạ “đánh giá cán bộ là khâu khó nhất”.

Chưa để ai kịp cãi, ông dẫn chứng ra một loạt những vi phạm nghiêm trọng của cán bộ cấp chiến lược thời gian qua, vị to nhất đến cả Uỷ viên Ban Chính trị, thấp hơn tí xíu là Uỷ viên Trung ương, “xuống” tí là Chủ tịch, Bí thư các tỉnh thành, lãnh đạo Sở…

Ông bảo, có những người hôm nay bị bắt nhưng cách đó không lâu còn được tuyên dương, khen thưởng, “nhảy” ghế vù vù! Xong rồi ông hỏi và tự trả lời: Vì sao có tình trạng oái ăm như thế? Đấy không xuất phát từ khâu đánh giá sai cán bộ thì là gì?

Cán bộ cấp chiến lược được hiểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương.

Đây là những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban bí thư với khoảng 600 người.

Bài học kinh nghiêm từ nhiều cán bộ chiến lược vướng vòng lao lý, buộc phải xem xét lại, đánh giá, chọn lựa kỹ lưỡng cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ mới bố trí đúng chỗ, đúng sở trường, năng lực được phát huy, hạn chế phát tác mặt xấu.

Đánh giá không đúng cán bộ, một mặt có thể không nhìn thấy mầm mống sai phạm, mặt khác bố trí, bổ nhiệm vào vị trí trái chuyên môn, có thể gây nản chí hoặc nảy sinh tâm lý “ngồi chơi xơi nước”.

Công tác cán bộ đang được bàn tại Hội nghị BCH TW lần thứ 7 (Ảnh tuoitre.vn)

Công tác cán bộ chiến lược đang được bàn tại Hội nghị BCH TW lần thứ 7 (Ảnh tuoitre.vn)

Cán bộ cấp chiến lược, một khi chọn được đội ngũ giàu tài năng sẽ mang lại kết quả rất… chiến lược, và nếu chọn sai người hậu họa cũng rất… chiến lược! Sở dĩ đánh giá cán bộ được xếp vào hàng khó nhất vì đó là “con người”.

Cổ nhân có câu “họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”, người chăn gối với ta suốt đời mà ta chưa hiểu hết, huống chi những con người chỉ đến với nhau vì nhiệm vụ.

Dĩ nhiên, trong đánh giá cán bộ nhiều nơi vẫn khó vì “trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Đó là bản chất cố hữu của người Phương Đông, xuất phát từ văn hóa làng xã. Đảng đã đưa ra nghị quyết khuyến khích “phê” và “tự phê”, song chưa có cách nào để người thực hiện vượt qua tâm lý cả nể.

Do cả nể, e ngại, nên nhiều cán bộ thấy sai không dám nói, phát hiện đồng nghiệp, cấp trên có dấu hiệu sai phạm không dám đấu tranh, nên dần dà “cái sảy nảy cái ung”.

Cán bộ cũng là con “người”, thế giới này không có gì phức tạp bằng con người, tổ chức có thể “nắm” hồ sơ, lý lịch, thân xác con người nhưng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng không dễ chút nào.

Để đánh giá chính xác cán bộ, có nhiều cách: Một là xây dựng hệ quy chuẩn được lượng hóa. Đây là cách làm thông thường, giống như người ta muốn đánh giá chất lượng môi trường thì phải căn cứ vào hệ thống chỉ số có sẵn.

Vướng mắc ở chổ, nhiều cán bộ công chức đang làm những công việc không thể nào lượng hóa được, nhiều lúc chất lượng công việc phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu hơn là một tiêu chuẩn nào đó.

Thực tế, hiện nay chúng ta đang nỗ lực đánh giá cán bộ, đảng viên bằng “điểm số”, về tư tưởng, đạo đức, phẩm chất, năng lực… tuy nhiên tính chính xác là vấn đề đáng quan tâm.

Chỉ đơn cử như kê khai tài sản, 1,1 triệu bản khai chỉ có đúng 3 trường hợp không trung thực. Ai tin con số này chính xác, những biệt phủ, tài sản “khủng” của cán bộ lần lượt lộ diện, những thứ đó đã được kê khai hay chưa?

Cách thứ hai, một con đường vòng thông minh được thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 đang diễn ra – nếu làm tốt cán bộ sẽ tự đánh giá mình qua công việc, đó là cải cách theo hướng tự chủ tiền lương.

Kể cả những người lãnh đạo quản lý, muốn sống ổn phải làm nhiều. Áp lực tăng thu nhập buộc người đứng đầu phải tăng năng suất công việc, giảm nhân sự. Ai trụ được sẽ hưởng lương của những người bị loại để làm công việc của người đó.         

Bằng một cuộc cạnh tranh thu nhập rất thị trường, người lao động sẽ phát huy hết năng lực vốn có để tồn tại, tâm lý chây ỳ, ỷ lại, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” tự nhiên mất.

Cách thứ ba, được bàn khá nhiều, thậm chí đã trở thành lý luận trong giáo trình, nhưng chưa tận dụng tốt. Cán bộ A ra sao? Cán bộ B thế nào?... hãy hỏi người dân sẽ rõ.

Đang muốn nói đến chức năng giám sát, kiểm tra của người dân. Cách này để thực hiện phải đi kèm với tính năng công khai, minh bạch trong quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Sáu trăm cán bộ chiến lược là bộ não của đất nước, thành - bại, nên – hư cả ở đây. Trước khi quy hoạch, bổ nhiệm phải đánh giá thật kỹ.