Ở nước Nam có một ngành chăn nuôi vô cùng kỳ lạ, chưa từng có trên thế giới, đó là “nuôi lỗ”. Độc đáo hơn, ngữ nghĩa này hiểu sao cũng đúng, tùy bạn đọc suy xét.

Ở đây chỉ bàn đến “lỗ” trong đối lập với “lãi”, một trong hai khía cạnh quan trọng nhất của kinh tế thị trường, đó là sự tồn tại hay không của doanh nghiệp, sự nghèo nàn hay giàu có của quốc gia đều liên quan đến “lỗ” và “lãi”.

Thế mà có những thực thể kinh tế lỗ cả thập kỷ nhưng vẫn tồn tại. Đấy! Đạm Binh Bình là ví dụ, hoàn thành vào năm 2011, với số vốn 11.000 tỷ đồng, đến nay doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu -3.392 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 5.706 tỷ đồng!?

Mười năm nay, đạm Ninh Bình làm ăn bết bát đến nỗi Tập đoàn chủ quản (Vinachem) từng đề nghị bán nhà máy lấy tiền trả nợ không thì kéo sập cả Tập đoàn!

Và, lỗ đến mức, những người anh em đồng cân đồng lạng như: đạm Hà Bắc giảm lỗ 266 tỷ; DAP số 2 Lào Cai giảm lỗ 288 tỷ đồng...từng được xem là “diễn biến tích cực”!?

Làm ăn lỗ triền miên mà không phá sản là trái quy luật kinh tế thị trường

Chỉ có phép màu mới cứu được doanh nghiệp lỗ triền miên!

Lỗ những không chịu buông tay, thật quả cảm cho ý chí sắt thép của giới “công bộc nơi doanh nghiệp”, vậy không phải “nuôi lỗ” thì là gì? Hay là những bộ óc xuất chúng mới đúc kết ra quy luật kinh tế mới, “lấy lỗ làm lãi”!

Có những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc chủ sở hữu của các Bộ, ngành đang được gọi dưới thuật ngữ kinh tế vô cùng mĩ miều “mất an toàn tài chính”. Đến cuối năm 2019 đã “điểm danh” được 800 doanh nghiệp nhà nước lỗ tầm đơn vị “trăm, nghìn tỷ đồng...”.

Trong khi đó, rất rất nhiều doanh nghiệp tư nhân thuộc dạng nhỏ và siêu nhỏ phải vật lộn buôn thúng bán bưng, bòn mót từng đồng lời, trước là “bảo toàn tính mạng” sau là hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả: Nộp thuế!

Hàng vạn công ty “trách nhiệm hữu hạn” nhưng nỗi lo vô hạn và rủi ro vô cùng, và hầu như thời nào cũng thấy khó khăn kinh điển của khối doanh nghiệp này là “Vốn và khả năng tiếp cận vốn hạn chế”.

Ngược lại, doanh nghiệp nhà nước chẳng khác nào “cậu ấm cô chiêu”, trọng thương tới lục phủ ngũ tạng nhưng vẫn được “cưu mang” chạy chữa. Biết lỗ mà còn nuôi.

Và nguyên nhân những cái lỗ này, lúc nào cũng được đùn về phía khách quan, do thị trường biến động, chi phí tài chính lớn, khó cạnh tranh... mà chưa bao giờ thấy cá nhân nào tự bạch về khả năng điều hành, lãnh đạo...

Cũng một cách hoàn toàn ngược lại, với tư nhân - lỗ là “ngắt ống thở”, là tự cào xé đến mảnh giẻ rách cuối cùng!