Đổi mới doanh nghiệp nhà nước: bước qua sự “méo mó”…

Đại Dương 25/09/2019 15:35

Chính phủ dự kiến tổ chức một hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước thì cũng đồng nghĩa rằng: doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang tồn tại những vấn đề cần phải giải quyết.

Mà những vấn đề ấy nếu không giải quyết được chẳng những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế mà còn không thể “phụ trợ” được cho định hướng “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Chưa kể đến việc từ trước cho đến nay, chưa có văn bản chính thức nào giải thích rõ nội hàm “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước, mà ngay cả DNNN, “lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước”, cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị có chiến lược “chuyển đổi hẳn sang kinh tế thị trường” là rất cấp bách.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp - Ciem: 

Cổ phần hoá chưa đạt mục tiêu. Với việc thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư xã hội vào doanh nghiệp chưa đạt được, thậm chí, có doanh nghiệp mà nhà nước phải giữ vốn đến 99%. Vốn nhà nước duy trì ở hầu hết các ngành, lĩnh vực thì không thể thay đổi được cơ cấu của doanh nghiệp nhà nước. "Đây là lý do lớn nhất nói rằng cổ phần hoá chưa đạt mục tiêu.

Ông Đặng Quyết Tiến - cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính:

Tiến độ cổ phần hóa triển khai rất chậm, rất "nhỏ giọt" nguyên nhân của tình trạng này là có sự thiếu quyết liệt của doanh nghiệp và ngay cả địa phương, bộ ngành mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần. Có tình trạng chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ở một số bộ, ngành, địa phương, DNNN.

Người đứng đầu doanh nghiệp chưa thực sự quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Vấn đề đặt ra là: đổi mới DNNN theo hướng nào.

Hai “chức năng” chính, nếu có thể gọi là như thế, của DNNN cho đến nay được minh định là: “lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước” và “công cụ điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và điều tiết thị trường”. Điều này, ít nhiều trong thực tế, đã phát huy tác dụng khi mà quy mô của nền kinh tế chưa cao, khu vực kinh tế tư nhân do lịch sử chưa đảm đương thật tốt vai trò của mình và bối cảnh kinh tế chưa hội nhập sâu rộng. Đây cũng có thể là một hệ quả của nền kinh tế quan liêu, kế hoạch hóa tập trung trước đây khiến DNNN phải gánh vác trên mình nhiều “chức năng” bên cạnh chức năng chính là làm kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] “ĐỔI MỚI 2” là tất yếu

    11:15, 13/09/2019

  • Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN: Chuẩn bị tốt khâu xác định giá trị doanh nghiệp

    00:21, 24/09/2019

  • 3 nhóm giải pháp đẩy mạnh quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN

    00:00, 24/09/2019

  • Gỡ vướng pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại DNNN

    18:07, 23/09/2019

  • Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN

    19:51, 19/09/2019

  • DNNN phải công bố thông tin theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP

    22:21, 23/08/2019

Kể ra mà nói, việc đổi mới và nâng cao DNNN không phải không được thực hiện qua từng thời kỳ. Điều dễ nhận thấy nhất là từ chỗ có hàng chục nghìn DNNN thì đến nay, số lượng DNNN không còn nhiều như thế nữa. Đã có những sự chuyển đổi theo hướng thu hẹp về số lượng DNNN do sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Và đương nhiên, cũng là do sự chuyển đổi nhận thức về việc phải đối xử công bằng với các thành phần kinh tế, quan điểm về việc “những gì xã hội và doanh nghiệp làm tốt thì nhà nước không cần làm”.

p/Biểu đồ: Số doanh nghiệp nhà nước cần bán vốn tính đến 2020

Biểu đồ: Số doanh nghiệp nhà nước cần bán vốn tính đến 2020

Nhưng thực tế là, dù số lượng DNNN có ít đi, thì phần lớn nguồn lực nhà nước, mà bản chất là tài sản công, vẫn do các DNNN nắm giữ. Nhân danh nhà nước, các DNNN có thể giữ lại cho mình những nguồn lực mà nếu có cơ chế phân bổ tốt, sẽ được sử dụng và sinh lợi tốt hơn cho xã hội. Nhiều chuyên gia đã đồng ý với nhau rằng: cơ chế phân bổ nguồn lực hiện nay vẫn chủ yếu là “xin – cho” chứ chưa theo cơ chế thị trường. Vì vậy, chẳng những các loại thị trường như đất đai, tiền lương, lao động… bị méo mó mà ngay cả việc sử dụng nguồn lực sao cho hiệu quả cũng đặt ra quá nhiều vấn đề. DNNN hay khu vực kinh tế tư nhân vì thế, dù có lớn mạnh đến bao nhiêu thì cũng có những “chông chênh, rủi ro” về pháp lý kinh doanh. Những chênh vênh, rủi ro ấy có thể đẩy không chỉ DNNN, mà còn cả các doanh nghiệp tư nhân vào những vụ “hình sự hóa” bất kể lúc nào.

Bảo rằng phải đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, nhưng giải pháp nào thì vẫn có vẻ là một nan đề. Ngoài chuyện giảm số lượng DNNN như đã kể trên, thì còn phải kể đến việc thành lập UB Quản lý vốn nhà nước tại DN mấy năm vừa qua. Khi ủy ban này được thành lập, người ta đã kỳ vọng chấm dứt chế độ chủ quản đối với DNNN và giải phóng được một phần nguồn lực lớn lao mà những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang nắm giữ. Nhưng thực sự cho đến nay, xu hướng hành chính hóa có thể là một trong những lý do khiến ủy ban chưa thực hiện được việc triển khai “chủ sở hữu” đối với những DNNN thuộc quyền.

Rất có thể là bởi vì, cho đến nay, những chức năng mà DNNN đang được khoác cho chưa được xem xét lại. Bởi nói gì thì nói, là DNNN thì trước tiên DNNN là một… doanh nghiệp. Nhưng, vì là DNNN nên lại còn được khoác cho những chức năng như điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết thị trường. Ấy là còn chưa kể đến việc những DNNN còn phải thực hiện những nhiệm vụ “chính trị - xã hội” khác.

Đáng nói, trong thực tế vận hành, những chức năng ấy, có lẽ một phần là được “văn kiện hóa”, nên nó nổi trội hơn và lấn át mất chức năng chính là làm kinh tế, sinh lợi nhuận để ngày một phát triển. Mà đương nhiên, khi chức năng chính bị mờ đi, thì những chức năng như “điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bình ổn thị trường” sẽ nổi lên và làm “méo mó” (lời nhiều chuyên gia) luôn cái thị trường mà các DNNN đang tồn tại và vận hành trong đó. Như một nguyên lý, khi thị trường đã bị làm méo mó, thì nó cũng lôi kéo mọi thành phần kinh tế - xã hội khác méo mó theo.

Mà cái sự “méo mó” này có lẽ bắt nguồn từ một sự “méo mó” khác: đó là áp đặt cho DNNN những chức năng phi kinh tế, phi thị trường. Có lẽ, để đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN thì trước tiên, như nhiều chuyên gia đề nghị, là không dùng DNNN làm công cụ để điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô và bình ổn thị trường. Trại lại, phải “buộc” DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường. Làm được như vậy thì chẳng những tính chủ động, linh hoạt của DNNN cũng được nâng lên, mà hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực do có cơ chế phân bổ đúng cũng đạt được. Không chỉ DNNN sẽ đạt được hiệu quả, mà ngay cả cải cách nền tảng xã hội cách sâu sắc cũng có những bước tiến lớn khi thị trường chính là nhân tố thúc đẩy tính tuân thủ và sự chính trực trong mọi lĩnh vực.

Bước qua sự méo mó, có lẽ là bước đi căn bản nhất trong tiến trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đổi mới doanh nghiệp nhà nước: bước qua sự “méo mó”…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO