>> Đường dây đánh bạc 90 triệu USD vừa bị triệt phá hoạt động ra sao?

Đến hẹn lại lên, mỗi khi Tết đến xuân về, ngoài các hoạt động vui xuân lành mạnh, thì đâu đó vẫn còn những hoạt động vui chơi, giải trí thiếu lành mạnh có thể làm cho niềm vui ngày Tết phút chốc trở thành nỗi buồn trong gia đình, nhất là việc ham mê cờ bạc, sát phạt đỏ đen.

đánh bài lá, lắc bầu cua trong dịp đầu năm dường như đã trở thành một thói quen được tồn tại từ lâu tại các vùng miền trên cả nước - Ảnh minh họa: Internet

Đánh bài lá, lắc bầu cua trong dịp đầu năm dường như đã trở thành một thói quen được tồn tại từ lâu tại các vùng miền trên cả nước - Ảnh minh họa: Internet

Có thể nói, đánh bài lá, lắc bầu cua trong dịp đầu năm dường như đã trở thành một thói quen được tồn tại từ lâu tại các vùng miền trên cả nước, thu hút rất nhiều người tham gia từ già trẻ, gái trai, người lớn, trẻ nhỏ, từ thành thị đến nông thôn; nếu chỉ dừng lại ở việc chơi với mục đích giải trí, lấy niềm vui hoặc để thử vận may của năm đó là đỏ hay đen… Có lẽ niềm vui trong những ngày đầu năm mới sẽ trọn vẹn và không có gì để bàn tới, tuy nhiên, những trò may rủi, đỏ đen này ngày Tết đã bị biến tướng, gây ra những hệ lụy không hề nhỏ, khiến cho một nét đẹp văn hóa bị biến đổi theo thời gian.

Thực tế, thời gian trong và sau Tết, không khó bắt gặp được hình ảnh những nhóm người tụm năm, tụm bảy ở khắp ngõ, xóm đánh bài, lắc bầu cua với chính chất sát phạt, nhỏ thì vài nghìn, vài chục nghìn, lớn thì vài trăm, vài triệu thậm chí khi máu đỏ đen đã thấm, mỗi ván bài, mỗi lượt bầu cua có khi lên đến vài chục triệu đồng. Khiến không ít trường hợp vì quá “đam mê” sát phạt đã lâm vào cảnh hết Tết thì cũng đến lúc hết tiền, nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con thậm chí là rơi vào cảnh tù tội…

Thực tế cũng đã cho thấy, đằng sau những canh bạc ngày Tết là những hệ lụy của nó gây ra đối với gia đình, cộng đồng và xã hội là vô cùng lớn, từ những canh bạc thâu đêm, suốt sáng không những làm ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng xung quanh bởi những tiếng la hét của những “con bạc” khi máu cờ bạc đã lên, làm cho niềm vui ngày xuân cũng không còn giữ đúng với hương vị của nó mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương và làm phát sinh hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật khác như: Trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, đòi nợ thuê, siết nợ, bạo lực gia đình, cố ý gây thương tích và đôi khi làm tan nát cả một hạnh phúc gia đình,… Thậm chí còn có trường hợp sa chân vào các tệ nạn xã hội.

>> Đường dây đánh bạc hơn 10.000 tỷ đồng của Tú “trố” hoạt động ra sao?

đã đến lúc, quan niệm “Đánh bài ngày Tết là một trò chơi dân gian” cần được bài trừ triệt để - Ảnh minh họa: Internet

Đã đến lúc, quan niệm “đánh bài ngày Tết là một trò chơi dân gian” cần được bài trừ triệt để - Ảnh minh họa: Internet

Ông bà xưa có câu: “Cờ bạc là bác thằng bần/ Ruộng vườn bán hết, tra chân vào cùm” như một lời nhắc nhở đối với vấn nạn cờ bạc, bởi nó không thể mang lại hạnh phúc, ấm no, tiền tài mà chỉ đem lại hại nhiều hơn lợi… Khi thua cạn tiền, sạch túi thì lại đi vay, đi mượn lãi mẹ đẻ lãi con chất chồng lên nhau, nếu không vay mượn được thì về nhà đem tài sản dành dụm, lao động vất vả mới có được đem đi cầm cố, thế chấp và khả năng tán gia bại sản là điều không thể tránh khỏi một khi đã lao đầu vào con đường đỏ đen, sát phạt.

Chưa kể, biết bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu con người đã “thân bại danh liệt”, nhiều cá nhân trở thành tội phạm vì nạn cờ bạc. Xót xa hơn, trong những số phận dang dở ấy, không ít trường hợp rơi vào các bạn trẻ vốn tương lai đang phơi phới, thậm chí nhiều em là sinh viên, học hành giỏi giang, xuất thân trong các gia đình lao động.

Đã có con bạc vì thua bạc, cùng quẫn mà tự tử, hay kinh khủng hơn, do nợ nần cờ bạc mà trở thành tội phạm giết người phải lâm cảnh đời lao lý. Nhiều vụ án giết người, cướp tài sản để lấy tiền đánh bạc hoặc trả nợ cờ bạc như vụ Tuấn “khỉ” xả súng giết 5 người vào mùng 5 Tết trong một sới bạc ở Củ Chi một thời đốt nóng dư luận, hầu như không ai không biết, đã làm tốn không biết bao nhiêu tiền của công sức của các lực lượng chức năng và người dân khi truy tìm.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, ngoài phương cách truyền thống là tụ tập sát phạt nhau trên các sới bạc, cờ bạc thời nay là một bát quái trận đồ, thiên la địa võng, sẵn sàng nuốt chửng những kẻ có máu bài bạc, bất kể trẻ già, trai gái. Chỉ cần với một cái smartphone trên tay có kết nối Internet là bất cứ ai có máu đỏ đen cũng sẽ trở thành một con bạc.

Thực tế cho thấy, người vay tín dụng đen vì nhu cầu cuộc sống là rất thấp, đa số loại hình cho vay này nhằm phục vụ nhu cầu ăn chơi, cờ bạc… là chủ yếu. Nó gắn với các hoạt động đòi nợ như: cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí giết người...

Và đã đến lúc, quan niệm “đánh bài ngày Tết là một trò chơi dân gian” cần được bài trừ triệt để, nên thay đổi nếp nghĩ, cờ bạc ngày Tết là một thú vui giải trí mà phải xem đó là một tệ nạn xã hội, tránh sa chân vào bởi, ngoài những hệ lụy đã nêu, pháp luật hiện nay cũng có những chế tài xử phạt rất nghiêm khắc đối với tệ nạn này.

Bất luận là ngày Tết hay ngày thường, việc chơi bài ăn tiền dưới mọi hình thức đều bị coi là hành vi đánh bạc trái phép. Tùy theo từng trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, người đánh bạc có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 26, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP hay có thể bị xử lý hình sự về tội Đánh bạc, quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, cờ bạc vui xuân coi chừng “mất Tết”!