Thời gian qua, trên cả nước, hoạt động của các môi giới BĐS độc lập nở rộ, nhất là tại các khu vực diễn ra sốt đất

Hoạt động của các môi giới bất động sản độc lập đang nở rộ tại các khu vực diễn ra sốt đất

Trong Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản mới đây của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) có nhiều nội dung được đề xuất nhằm chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản.

Chuyên nghiệp hóa thị trường

Theo đó, đề xuất mới quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới và phải có chứng chỉ hành nghề. Sau khi thành lập doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Sở Xây dựng nơi tổ chức hoạt động và Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản để được đăng tải công khai trên hệ thống quản lý của địa phương.

Trao đổi Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Thường trực Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng việc Bộ Xây dựng đề xuất quy định này là cần thiết để hướng đến xây dựng thị trường BĐS minh bạch, chuyên nghiệp, việc nâng tầm hoạt động môi giới BĐS.

Theo các chuyên gia, thực tế thị trường cho thấy một hiện tượng đáng quan ngại là việc một số môi giới bất động sản tự phát, không chuyên tham gia vào các đợt thổi giá đất khiến cơn sốt đất lan rộng khắp cả nước.

Trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã phải ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động mua bán bất động sản “nóng”, thậm chí mới đây, theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn TP Hạ Long có tới 30 sàn giao dịch và 80 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản không trong danh sách Sở Xây dựng quản lý.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, đề xuất quy định của Bộ Xây dựng mới đây cũng nhận được không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, nhất là của những “người trong cuộc” là các môi giới “bán chuyên” hoạt động tự do.

Tuy nhiên theo một số 'người trong cuộc' là các môi giới BĐS độc lập cũng như ý kiến Luật sư thì

Nhiều ý kiến cho rằng nên tìm cách quản lý chứ không cấm môi giới bất động sản độc lập

Tìm cách quản chứ đừng cấm

Là “người trong cuộc” anh Quang, môi giới tại Quốc Oai (Hà Nội) cho biết nếu quy định người hoạt động môi giới BĐS phải tham gia khóa tập huấn để được cấp chứng chỉ thì cũng là hợp lý. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp mới được hoạt động môi giới thì cũng không thực sự “thiết thực” bởi khi đó sẽ có những doanh nghiệp được lập ra để hợp lý hóa ‘giấy tờ’ còn thực tế vẫn ‘mạnh ai nấy làm’.

‘Thị trường và khách hàng sẽ tự thanh lọc và loại bỏ những môi giới bất động sản làm ăn chộp giật, còn việc hoạt động độc lập hay theo doanh nghiệp thì lâu nay vẫn tồn tại cả hai, mỗi hình thức phục vụ một đối tượng khách hàng và phân khúc thị trường riêng”, anh Quang cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với DĐDN một Luật sư nhận định về nguyên tắc người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm nên việc cá nhân trao đổi, giới thiệu thông tin về bất động sản mà không thông qua việc lập hợp đồng (nguyên tắc/thỏa thuận về việc cung cấp dịch vụ môi giới có cam kết về hoa hồng chi trả) thì hiện chưa có quy định ràng buộc.

Cũng theo vị Luật sư thì trong câu chuyện này, chính sách nên tiếp cận dưới độ tìm cách ‘quản’ chứng đừng cố gắng cấm vì có cấm cũng không thực sự khả thi. “Giải pháp ‘hài hòa’ cho vấn đề trên là một mặt tăng cường tuyên truyền, đào tạo cơ bản cho lực lượng môi giới hoạt động độc lập để họ hiểu và tuân thủ bên cạnh việc hoàn thiện quy định xác định các hành vi vi phạm để có chế tài xử lý nghiêm.

"Bên cạnh đó, để quản lý và nắm thông tin thị trường thì đầu mối không thể bỏ qua là các phòng công chứng để xác định việc mua bán BĐS có bị ‘dưới giá’ để trốn, né thuế không và cũng có thể xem xét việc đưa thông tin của người môi giới vào hợp đồng mua bán công chứng như một phần bắt buộc để theo dõi” - vị Luật sư nêu rõ.