Áp lực bủa vây doanh nghiệp môi giới bất động sản (KỲ III): Tự cứu trước khi được cứu

LAM ANH 01/09/2021 16:11

Nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản đã bắt đầu “lung lay” và chấp nhận chuyển đổi, tìm cơ hội để vượt qua khó khăn.

Những buổi mở bán đông khách như thế này chỉ còn là trong mơ với các doanh nghiệp bất động sản

Những lễ mở bán nhộn nhịp như thế này chỉ còn "vang bóng một thời"

Không công bằng

Ông Trần Vũ – Giám đốc Rubyland chia sẻ: Đợt dịch này bùng phát quá nhanh và lây lan rộng, mặc dù công ty có dự trù thời gian hoạt động trở lại và nguồn vốn để duy trì các chi phí cơ bản, chi phí lãi vay ngân hàng…. Nhưng cho đến hiện tại đã gần 4 tháng doanh nghiệp không có doanh thu, nguồn tiền dự trữ đã cạn kiệt, áp lực lãi vay ngân hàng đang là nổi lo lớn nhất khi liên tục nhận các cuộc điện thoại của ngân hàng nhắc nợ, đóng lãi…

“Thành phố đang giãn cách nghiêm ngặt không thể ra đường, doanh thu bằng không nhưng ngân hàng đã không hỗ trợ gì cho doanh nghiệp lại luôn tạo ra áp lực và đưa vào nợ xấu. Chúng tôi không biết sắp tới khi hết dịch sẽ hoạt động lại như thế nào” - ông Vũ bày tỏ.

Điều nhiều doanh nghiệp mong muốn lúc này là các ngân hàng nên giãn nợ và giảm lãi vay để doanh nghiệp dễ thở và có nguồn vốn lưu động hoạt động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát mới có thể gồng gánh và tồn tại được.

“Nhiều doanh nghiệp mới thành lập nên chưa có uy tín trên thị trường, lịch sử tín dụng tốt với các ngân hàng, vậy mà chỉ mới 2 tháng dịch bệnh bùng phát với chỉ thị giãn cách nghiêm ngặt không đi đóng lãi được, ngân hàng đã đánh nợ xấu doanh nghiệp và cá nhân. Điều này sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ đến chúng tôi khi vay vốn kinh doanh thời gian tới”, ông Nguyễn Bảo Huy – Giám đốc Địa ốc Babylon cho hay.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Viết Tám - Giám đốc công ty Hmlandco chia sẻ: Doanh thu từ hoạt động kinh doanh sẽ sản sinh ra những nguồn khác để trang trải chi phí hoạt động, trả lãi và làm căn cứ tính lợi nhuận. Nhưng dịch bệnh ập đến, mọi hoạt động gần như “đứng bánh”, doanh thu bằng không và các chi phí vẫn phải trả thì nguồn vốn tích lũy sẽ cạn kiệt là điều sớm hay muộn.

Không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn nguồn tiền mặt dồi dào để có thể đúng hạn với ngân hàng, cũng chẳng ai muốn đánh giá nợ xấu, chính vì thế nên các tổ chức tín dụng cần phải đưa ra những giải pháp tối ưu hỗ trợ doanh nghiệp, người kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp hoàn thiện dự án trước khi mở bán, hạn chế tình trạng

Nhiều doanh nghiệp hoàn thiện dự án trước khi mở bán, hạn chế tình trạng "bán lúa non"

"Trong quan hệ làm ăn kinh doanh, phải đôi bên cùng có lợi thì mới hài hòa, các ngân hàng đang xem doanh nghiệp là đối tác hay con nợ? Nếu đánh giá nợ xấu hết thì hệ thống tài chính còn cho ai vay được và lúc đó hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng sẽ ảnh hưởng”, ông Tám nói.

 Thay đổi để thích ứng

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hà Anh Tuấn, TGĐ Công ty CP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Trung Tín cho biết trong thời điểm hiện tại cách duy nhất doanh nghiệp tồn tại là phải nói thật, làm thật, làm tất cả để phục vụ khách hàng.

“Khó khăn này là cơ hội để  doanh nghiệp chứng tỏ thực lực của mình, chỉ những doanh nghiệp có đủ sức mạnh, làm ăn chân chính mới có thể cạnh tranh và tiếp tục tồn tại trên thị trường. Thời điểm hiện tại, thay vì bán lúa non chính là dịp để các chủ đầu tư dự án dồn lực để hoàn thiện dự án của mình, tránh tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”, giúp thị trường phát triển bền vững khi dịch kết thúc”.

Bên cạnh việc tập trung đầu tư hoàn thiện dự án, theo ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản, giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược tái cấu trúc chính mình, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm nhà ở có giá vừa phải, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.

Quan sát trên thị trường Đà Nẵng cho thấy bên cạnh địa ốc là ngành nghề truyền thống thì nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đã và đang khai phá những mảng mới, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường,… Đồng thời, họ chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.

Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Trường Gia Phát là một ví dụ. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc công ty cho biết bên cạnh lĩnh vực bất động sản là hoạt động chính thì hiện công ty đã mở rộng sang lĩnh vực dược phẩm và sắp tới là digital marketing. “Lấy ngắn nuôi dài, chúng tôi đang thay đổi để thích ứng với diễn biến thị trường".

Nhận định về những thay đổi của doanh nghiệp bất động sản, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng việc các doanh nghiệp địa ốc mở rộng kinh doanh, đầu tư sang những lĩnh vực mới là một hướng đi nhằm đa dạng hóa ngành nghề để giảm thiểu rủi ro là tất yếu khi tín dụng, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt dần.

Tuy nhiên, ông Dương cũng lưu ý việc phát triển theo hướng đa ngành phải có định hướng chiến lược để hạn chế rủi ro, giúp phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững chứ không nên làm theo trào lưu.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp lực bủa vây doanh nghiệp môi giới bất động sản (KỲ 2): Đau đầu bài toán nguồn cung

    Áp lực bủa vây doanh nghiệp môi giới bất động sản (KỲ 2): Đau đầu bài toán nguồn cung

    13:20, 31/08/2021

  • Áp lực bủa vây doanh nghiệp môi giới bất động sản (KỲ I): Đóng cửa, giải thể

    Áp lực bủa vây doanh nghiệp môi giới bất động sản (KỲ I): Đóng cửa, giải thể

    14:00, 30/08/2021

  • Doanh nghiệp môi giới bất động sản “ngấp ngoải” vì dịch

    Doanh nghiệp môi giới bất động sản “ngấp ngoải” vì dịch

    17:00, 20/08/2021

  • Doanh nghiệp môi giới đua

    Doanh nghiệp môi giới đua "bán nhà online"

    15:30, 30/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp lực bủa vây doanh nghiệp môi giới bất động sản (KỲ III): Tự cứu trước khi được cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO