Điện áp mái hãng xưởng chuẩn

Điện áp mái hãng xưởng chuẩn theo quy định.

Tới tận tuổi trưởng thành, quê tôi vẫn chưa có điện. Với lứa tuổi chúng tôi ngày ấy nói đến điện thì rất xa lạ, xa xỉ. Thật lòng "điện" chẳng có ý nghĩa gì, không quan tâm.

Rồi một ngày xa quê, xa ánh đèn dầu (dầu hoả). Đến thiên đường của ánh sáng, cách nghĩ và cách sống thay đổi như từ cực âm chuyển sang cực dương. Điện chi phối tất cả hành vi, hoạt động trong cuộc sống, nếu bây giờ chỉ bị cúp điện vài ngày, hay vài tuần, hoặc không có điện thời gian dài thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bởi thời đại 4.0, thời đại trí tuệ nhân tạo... mà không có điện thì con người sẽ điên bởi cuộc sống bây giờ 3 thứ cần và đủ là: Điện - Nước - Khí, là không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của con người.

Ngày xưa "ông Điện lực" là cực kỳ quan trọng bởi nó chi phối 1 trong 3 yếu tố cần và đủ cho cuộc sống con người. Bây giờ thì sao, nhà nhà có điện, người người có thể làm ra điện. Thế giới phát triển, Việt Nam được thừa hưởng và cùng phát triển. Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam có chính sách điện mặt trời áp mái (mái nhà, mái các công trình công cộng, hãng xưởng, nhà máy...). Các tỉnh miền Trung, miền Nam hoặc các địa phương có giờ nắng cao hơn 1.200 giờ/năm là tốt, bức xạ nhiệt từ mặt trời ổn định là nơi ấy bùng nổ các dự án điện mặt trời áp mái. Các hộ, các gia đình đua nhau làm điện áp mái nhà, mái hãng xưởng... tự cung, tự tiêu dư điện bán cho "ông điện lực" địa phương, sớm thu hồi vốn, có tiền tiêu hàng ngày... Một vốn ba lời nên điện áp mái trở thành trào lưu trong xã hội, trở thành một món đầu tư thuận lợi và dễ kiếm tiền.

Tính đến tháng 12/2020 cả nước có hơn 17.000MW từ các dự án điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió) thì điện áp mái chiếm 9.300MW bởi giá điện áp mái cao hơn nhà máy điện mặt trời công suất lớn trên đồi, trên mặt hồ và đất phi nông nghiệp. Các công ty điện lực tại địa phương có công ăn việc làm, có người cần bán và "ông điện" cần mua. Người bán điện thì cần "ông nhà điện" để phê duyệt, để đấu nối, để ký hợp đồng cung cấp. Bởi theo chính sách điện mặt trời áp mái do Công ty điện lực địa phương quyết định... thị trường mua bán đặc biệt này biến tướng, chính sách đang tốt trở thành méo mó và hệ luỵ xấu phát sinh. Không ít các cán bộ và người dân lợi dụng chính sách để trục lợi, để có tiền bỏ túi.

Đường điện trong phố, trong nhà đã như mớ bòng bong, như màng nhện, bây giờ được đấu nối, được thêm vào để thương mại hoá càng bùng nhùng, hỗn loạn.

fdh

Vài ba bụi cây hương liệu cũng là điện áp mái.

Còn hơn thế, các dự án điện mặt trời ngoài đồng, ngoài vườn, ngoài rừng cao su, rừng ca cao, cây ăn trái được chia nhỏ dưới 1 MW được lắp đặt tấm pin quang hợp trên dàn cao hơn, bên dưới trồng vài cụm cây hương liệu, thả dăm bẩy con dê, con cừu, vài đàn gà, vịt... trở thành điện áp mái trên trang trại.

Công ty điện ký hợp đồng với chủ nhà theo hình thức điệp áp mái, giá mua cao hơn. Mặc nhiên chủ đầu tư phải chi, phải chiều theo ý người mua. Người dân, nông dân, chủ rừng... thành người bán. Người mua thì có quyền từ chối, có quyền không phê duyệt dự án và quyền hài lòng. Khổ chủ thì muốn có thu nhập, muốn 1 vốn 3 lời, thì phải ăn chia theo công thức sẵn có đã được tính toán rất khoa học và rất chuyên nghiệp.

dfh

Dăm bảy chú dê ngơ ngác dưới điện áp mái trở thành điện áp mái trên trang trại.

Thế rồi chính sách tốt bị lợi dụng, bị người mua, kẻ bán cấu kết móc tiền ngân sách, người tiêu dùng chân chính phải trả tiền điện cao hơn. Tác nhân gây đường truyền tải vượt công suất cho phép, các dự án lớn, giá thành thấp không phát huy được hiệu quả, ngân hàng, người tiêu dùng, xã hội đều gánh hệ luỵ của việc làm vi phạm pháp luật, của những người đang điều hành trong lĩnh vực điện tại địa phương. Người dân thì hám lợi và muốn kiếm thêm thu nhập, họ đang đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán tiền vay, mượn của ngân hàng, mất vốn tự có đã đầu tư. Các nhà đầu tư bài bản, đúng qui định của pháp luật thì ngày được bán, ngày không, vì đường truyền quá tải.

Một chính sách tốt, hiệu quả cao, nhưng chỉ cần một khâu thực thi chính sách làm trái hoặc vi phạm sẽ dẫn đến cả hệ thống tê liệt, dẫn đến niềm tin của nhà đầu tư lớn vào chính sách của cơ quan chủ quản bị mai một. Nếu không ngăn chặn, xử lý cương quyết với các vi phạm đã, đang xảy ra thì kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Tổng Bí thư- Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ là văn bản lưu trữ trong thư viện pháp luật.

Người có điện, làm ra điện mà không bán được còn "điên" nặng hơn người bị mất điện trong một vài ngày. Hệ thống điện bị lỗi, bị cắt điện vì đường truyền tải trên cả nước hư hại thì các nhà máy, hãng xưởng, bệnh viện, trung tâm hành chính... bị mất điện thì cả xã hội sẽ "điên" vì không có điện.