Nước đi này tạo ra nhiều thắc mắc, nhất là khi MWG đang ôm khối nợ gần 1 tỷ USD.

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 với tổng nợ phải trả tăng thêm gần 2 ngàn tỷ đồng lên trên ngưỡng 21 ngàn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, tổng nợ hơn 21 ngàn tỷ đồng chưa phải thực sự cao so với tổng tài sản hơn gần 32,4 ngàn tỷ đồng của Thế Giới Di Động, nhưng nó cũng khiến không ít người lo ngại bởi con số này cũng đã gần gấp đôi mức vốn chủ sở hữu gần 11,3 ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chiến lược mở rộng mạng lưới của MWG, đặc biệt, mô hình “Điện thoại siêu rẻ” (ĐTSR) được một số công ty chứng khoán đánh giá là hợp lý, trong bối cảnh cơ hội chiếm thị phần là không phải lúc nào cũng có ở một thị trường bán lẻ đang phát triển thần tốc, với quy mô hơn 140 tỷ USD vào 2018 và dự báo lên 180 tỷ USD vào 2020.

Tháng 8/2019, Thế Giới Di Động thông báo sự ra đời của những cửa hàng “Điện thoại siêu rẻ” đầu tiên. Các sản phẩm tại đây chủ yếu là điện thoại dưới 8 triệu, và được bán với giá rẻ hơn Thế Giới Di Động khoảng 10%. Sau 2 tháng thử nghiệm, các cửa hàng này có doanh thu trung bình 500 triệu/tháng (bằng khoảng 1/5 doanh thu một cửa hàng Thế Giới Di Động).

Xét về phương diện lợi nhuận thuần túy, “Điện thoại siêu rẻ” chẳng đóng góp là bao cho lợi nhuận của MWG trong thị trường điện thoại đã được đánh giá là bão hòa. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, đây là một nước đi cực kì khôn ngoan của MWG: Đó chính là hệ thống “tường lửa” giúp MWG bảo vệ chuỗi Thế Giới Di Động trước những đối thủ khác có giá bán rẻ hơn. Cũng như trường hợp của Swatch, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ về cơ bản có 3 vai trò chiến lược:

Thứ nhất, “Điện thoại siêu rẻ” giúp MWG tiếp cận được những khách hàng có thu nhập thấp đang ưu ái những nhà bán lẻ điện thoại địa phương có giá rẻ. Đây là bộ phận mà chuỗi Thế Giới Di Động có giá bán cao khó tiếp cận.

Thứ hai, lượng sản phẩm bán với giá rẻ ở chuỗi “Điện thoại siêu rẻ” giúp MWG tăng lượng hàng bán, từ đó tăng sức mạnh thương thuyết với nhà cung cấp, và hạ giá thành sản phẩm ở cả chuỗi “Điện thoại siêu rẻ” lẫn Thế Giới Di Động.

Thứ ba, chuỗi giá rẻ tấn công thẳng các nhà bán lẻ điện thoại cạnh tranh bằng giá. Sự ra đời của “Điện thoại siêu rẻ” làm thị trường điện thoại ngày càng có vẻ đông đúc, triệt tiêu tham vọng xâm nhập và bành trướng của tất cả các chuỗi khác.

Nói cách khác, “Điện thoại siêu rẻ” là “bức tường phòng thủ”, trấn giữ những khu vực mà Thế Giới Di Động chưa thể chạm tới, và ngăn chặn ý đồ của toàn bộ đối thủ. Nhờ “Điện thoại siêu rẻ”, Thế Giới Di Động sẽ còn thoải mái cung cấp dịch vụ cao cấp với giá cao trong thời gian dài phía trước.