Thị trường bán lẻ bão hòa, sự cạnh tranh của các trang thương mại điện tử cũng như chi phí tăng cao sẽ là những vấn đề mà Thế giới Di động cần giải quyết trong thời gian tới.
Thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ với hơn 2.600 cửa hàng
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm, CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã: MWG) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 68.855 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.697 tỉ đồng, tăng 37%.
Xu thế tăng trưởng doanh thu và cùng với đó là thị phần của Thế giới Di động đã được duy trì trong nhiều năm trở lại đây.
Trong báo cáo phân tích về MWG, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết từ năm 2015 đến 2017, thị phần chuỗi Thegioididong.com đã tăng trưởng đáng kể từ 30% lên 43% trong xu hướng các cửa hàng nhỏ lẻ và các chuỗi bán lẻ khác bị thu hẹp thị phần đáng kể từ 65% xuống còn xấp xỉ 48% thị phần.
CTCP Chứng khoán Kiến Thiết mới đây nhận định: Mảng kinh doanh cốt lõi của MWG từ ngày đầu thành lập là bán lẻ điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện,….hiện đang dẫn đầu thị trường với khoảng 45% thị phần, bỏ xa đối thủ cạnh tranh trực tiếp là FPT Shop (khoảng hơn 10% thị phần).
Chuỗi Điện máy Xanh của MWG với các sản phẩm điện máy gia dụng hiện đang chiếm khoảng 35% thị phần, sau khi sáp nhập mua lại một thương hiệu khác là Điện máy Trần Anh – một thương hiệu vốn đang chiếm khoảng 15% thị phần điện máy phía Bắc.
Chứng khoán KIS cho rằng lợi thế cạnh tranh của Thế giới Di Động & Điện máy Xanh nằm ở thương hiệu lớn, độ phủ rộng. Theo số liệu của MWG, tính đến cuối tháng 8 năm nay, công ty có tổng cộng 2.621 cửa hàng trên khắp các tỉnh, thành cả nước.
Trong đó, chuỗi Thế giới Di Động có 1.000 cửa hàng, giảm xuống do một số được chuyển đổi thành Điện máy Xanh mini, chuỗi Điện máy Xanh có 866 cửa hàng, chuỗi Bách hóa Xanh có 725 cửa hàng và chuỗi Điện thoại Siêu rẻ (ĐTSR) ra mắt từ ngày 8/8 vừa qua có 10 cửa hàng.
Về doanh thu, chuỗi Điện Máy Xanh đóng góp lớn nhất với 39.732 tỉ đồng trong 8 tháng đầu năm, chiếm 57,7% tổng doanh thu. Theo sau lần lượt là chuỗi Thế giới Di động và Bách hóa Xanh.
CTCP Chứng khoán Tân Việt đánh giá Điện máy Xanh là động lực tăng trưởng chính của MWG trong 2-3 năm tới.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh thu ngành bán lẻ điện tử tiêu dùng Việt Nam được kì vọng sẽ có tốc độ tăng trưởng kép 10%-10,5% giai đoạn 2018 - 2023 nhờ vào ba yếu tố là:
1) Thu nhập khả dụng của người dân tăng, nhờ vào tốc độ tăng trưởng GDP cao (bình quân 6,1% giai đoạn 2012-2018) tạo nên triển vọng mạnh về nhu cầu đối với ngành hàng điện tử tiêu dùng trong trung hạn;
2) Tỉ lệ thâm nhập của điện tử tiêu dùng còn thấp, đối với TV là 51%, máy lạnh là 33%, máy giặt là 30%; và
3) Sự tiếp cận dễ dàng các kênh tài chính tiêu dùng khiến cho người dân tăng chi tiêu mua sắm.
Chuỗi Điện máy xanh đã vượt qua Thế giới Di động từ tháng 11/2017 để trở thành đầu tàu đóng góp doanh thu cho MWG. Hiện doanh thu trung bình tại 1 cửa hàng Thế giới Di động vào khoảng 2,8 tỉ đồng/tháng trong khi Điện máy Xanh là hơn 6 tỉ đồng/tháng.
Quá trình chuyển đổi từ Thế giới Di Động sang Điện máy Xanh được kì vọng sẽ giúp MWG tối ưu được chi phí và lấy thêm được thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ địa phương – hiện đang chiếm 40% thị trường. Ngoài ra, thị trường miền Bắc cũng là đối tượng tiềm năng khi Điện máy Xanh hiện chỉ đang chiếm 15% thị phần tại khu vực này.
Những thách thức đặt ra
Tuy nhiên Chứng khoán Tân Việt cũng nhận thấy việc mở rộng mạng lưới cửa hàng kéo theo chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp tăng nhanh.
Trong 5 năm qua chi phí bán hàng tăng trung bình ở mức 60,4%/năm, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng trung bình ở mức 89%/năm. Tỉ lệ hai loại chi phí này trên doanh thu đã tăng từ mức 10% năm 2014 lên 13% năm 2018.
Trong khi đó, tỉ lệ ROE và ROA giảm dần qua các năm do tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế không theo kịp tốc độ tăng trưởng của vốn chủ sở hữu cũng như tổng nguồn vốn.
Tân Việt cho rằng tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn của MWG là hợp lí với chiến lược tập trung đầu tư cho các chuỗi Điện máy xanh và Bách hóa xanh của mình. Trong một vài năm tới khi hoạt động kinh doanh của các chuỗi này trở nên ổn định hơn, các chỉ số ROE và ROA có thể sớm được cải thiện.
Một khó khăn nữa mà MWG phải đối mặt là tình trạng bão hòa mảng điện thoại di động. Từ đầu năm 2018 đến nay, chuỗi Thế giới Di động đã đóng khoảng 50 cửa hàng, đây là một phần lí do khiến tỉ lệ đóng góp doanh thu chuỗi này giảm mạnh trong quí 1/2019 vừa qua.
Chuỗi Thế giới Di động sau 5 năm phát triển mạnh mẽ hiện đã chững lại, doanh thu mảng này năm 2018 giảm nhẹ so với năm 2017. Theo Tân Việt, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do mặt hàng điện tử đã có độ phổ biến cao nhờ sự xuất hiện của nhiều hãng điện thoại giá rẻ từ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo.
Độ thâm nhập gần đạt ngưỡng bão hòa: 84% ở các thành phố lớn và 71% ở các thành phố thứ cấp theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu Nielsen.
Dù MWG sở hữu các website bán hàng online có lượt traffic và giao dịch top đầu của Việt Nam như thegioididong.com, dienmayxanh.com, và bachhoaxanh.com, Chứng khoán Tân Việt đánh giá cuộc chiến về giá từ các đối thủ online đang muốn tranh giành thị phần có thể sẽ làm giảm biên lợi nhuận hoạt động của MWG.
Đối với chuỗi Bách hóa Xanh, Tân Việt cho rằng MWG đang tiếp tục thực hiện chiến lược bao phủ tràn ngập để tăng biên lợi nhuận tính trên đầu cửa hàng tương tự như đã làm với các chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh trước đó.
Tuy nhiên, việc MWG có lặp lại thành công với Bách hóa Xanh như từng làm được với các chuỗi Thế giới Di động hay Điện máy Xanh trước đó hay không thì vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn. Bởi lẽ, đối thủ trong mảng bán lẻ điện thoại, điện máy (thời kì bùng nổ) và trong mảng hảng tiêu dùng giai đoạn hiện nay (thời kì của Bách hóa Xanh) rất khác nhau.
Bách hóa xanh phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Saigon Co.op, Satrafoods. Ngoài ra, chi phí vận chuyển từ kho đến cửa hàng chiếm khoảng 3% doanh thu chuỗi Bách hóa Xanh, do đó chuỗi này phải giảm chi phí giá vốn hoặc gia tăng doanh thu cửa hàng để có thể nâng biên lãi gộp của Bách hóa Xanh từ 18-20%
Thực hiện mục tiêu này có thể gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Bách hóa xanh muốn mở rộng ra thị trường các tỉnh lẻ. Do đó, Bách hóa Xanh có thể chưa đạt được điểm hòa vốn tại cửa hàng và kho bãi đến cuối năm nay.
Bên cạnh đó, theo Tân Việt, gần 50% doanh thu của Bách hóa Xanh đến từ hàng tươi sống, chi phí hàng hóa hư hủy chiếm khoảng 2,5% tổng doanh thu của chuỗi, do đó MWG cần có cách thức vận chuyển, lưu trữ hàng phù hợp để đảm bảo độ tươi ngon và an toàn thực phẩm của các mặt hàng này.
Một rủi ro mà MWG cần ứng phó trong thời gian tới là sức ép cạnh tranh ngày càng lớn của các nhà bán lẻ nước ngoài.
Ngoài việc các công ty lớn ngành E-Commerce với chiến lược chi phí thấp như Lazada (Alibaba), Shopee (SEA Group) và Tiki (JD.com), những công ty thương mại điện tử có uy tín từ thị trường phát triển như Rakuten (Nhật), AeonEshop (Nhật), Lotte (Hàn Quốc) và thậm chí là Amazon (Mỹ) cũng sẽ tham gia trong dài hạn, góp phần đưa các sản phẩm có nguồn gốc chất lượng vào thị trường và tạo sức ép cạnh tranh đáng kể cho miếng bánh E-Commerce Việt Nam trong những năm tới.