Các "đại gia" bán lẻ của Việt Nam, điển hình như Masan Group và Thế giới Di động, nhận định khá lạc quan về thị trường bán lẻ tiêu dùng năm 2025, bất chấp bối cảnh cạnh tranh của ngành.
Theo CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), ngành bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa gia tăng, thu nhập khả dụng cao hơn và sự đẩy mạnh vào xu hướng tiêu dùng hiện đại cùng chương các mô hình bán lẻ hiện đại. Các siêu thị, chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi, bếp ăn tập thể, trung tâm chế biến đang đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sự tiện lợi, chất lượng và đa dạng sản phẩm.
Năm 2024, Euromonitor ghi nhận, kênh bán lẻ hiện đại đã tăng tốc trở lại sau 2023 đầy thách thức, nâng tỷ trọng trong tổng giá trị bán lẻ thực phẩm từ 11,7% năm 2023 lên 12,3% năm 2024. Đặc biệt, minimart và các mô hình bán lẻ hiện đại quy mô nhỏ sẽ trở thành một trong những trụ cột chính với đặc điểm về vị trí và mô hình phục vụ nhanh dễ tiếp cận, linh hoạt với nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Tăng trưởng kinh tế sẽ là điều kiện cho các chuỗi tiếp tục mở rộng cùng các chính sách hỗ trợ. Dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,9% trong năm 2024 và 7,2% trong năm 2025, tiếp tục mở rộng dư địa cho chi tiêu tiêu dùng và gia tăng (mức dự báo này thấp hơn chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra từ 8% trở lên, đi cùng là nhiều chính sách triển khai để hỗ trợ sản xuất kinh doanh).
Masan nhìn nhận, thu nhập hộ gia đình tăng và niềm tin tiêu dùng ổn định sẽ góp phần mang các mô hình hiện đại tiếp cận với khách hàng tốt hơn.
Một vài số liệu thống kê khách quan cũng cho thấy triển vọng cải thiện thu nhập hộ gia đình đã và đang tích cực hơn, đặc biệt ở các khu vực đô thị nơi các mô hình bán lẻ hiện đại cùng nhu cầu tiêu dùng cao phát triển mạnh mẽ như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, năm 2025, đặt chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người năm 2025 là 204,3 triệu đồng, tương đương hơn 7.850 USD theo tỷ giá hiện hành. Con số theo văn bản đăng ký chỉ tiêu giao ước thi đua năm 2025 do UBND Thành phố, cao hơn 57% so với mục tiêu GDP bình quân đầu người cả nước năm nay của Chính phủ là trên 5.000 USD; đi cùng mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 10% trong năm nay của TP HCM, đặt kỳ vọng về khả năng đóng góp cho mức tăng chi tiêu - điều kiện thúc đẩy thị trường bán lẻ quy mô dẫn đầu.
Bên cạnh đó, Masan cho rằng, sự phát triển của cơ sở hạ tầng hiện đại, từ hệ thống siêu thị hiện đại đến logistics sẽ giúp mô hình hiện đại chiếm lĩnh thêm nhiều thị phần. Sự mở rộng của các chuỗi bán lẻ thực phẩm hiện đại đang dẫn dắt thị trường, đặc biệt là các chuỗi bán lẻ quy mô lớn như WinMart, CGV (Big C) và Co.opmart đang đẩy mạnh số cửa hàng mới và nâng cấp mô hình kinh doanh để cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Trong khi đó, cũng theo Masan, các chuỗi cửa hàng tiện lợi và cửa hàng thực phẩm quy mô nhỏ như WinMart+, Bách Hóa Xanh, Circle K, FamilyMart và 7-Eleven đang mở rộng nhanh chóng tại các khu đô thị, kết hợp các giải pháp kỹ số và chiến lược tăng cường tương tác với khách hàng.
Các chính sách và ưu đãi của Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ngành. Việc tăng chi tiêu công vào cơ sở hạ tầng khoảng 30% đầu tư dự kiến trong năm 2024 và năm 2025, sẽ giúp cải thiện hệ thống logistics và mạng lưới phân phối, làm nền tảng cho ngành bán lẻ hiện đại tại các địa phương cấp hai trở lên. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ như miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT và các chương trình kích cầu tiêu dùng sẽ giúp cải thiện lợi nhuận cho các doanh nghiệp bán lẻ.
“Sales số hóa là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ. Chuyển đổi số cũng sẽ tái định hình thị trường bán lẻ nói chung. Sàn bán lẻ thực phẩm trực tuyến dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, khi các nhà bán lẻ hiện đại tích cực kết nối các nền tảng mua điển tử như Shopee, Lazada và Tiki để mở rộng thị phần người tiêu dùng. Đồng thời, việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số, ví điện tử, các giao dịch qua điện thoại thông minh và các ứng dụng số khác đang làm thay đổi thói quen chi tiêu của hàng trăm hộ gia đình.
Xu hướng bán lẻ đa kênh (omnichannel retailing) – tích hợp linh hoạt trải nghiệm mua sắm trực tuyến và trực tiếp – được xem là chiến lược cốt lõi giúp các đơn vị khả năng thích ứng tốt hơn trong một thị trường đang chuyển đổi nhanh chóng”, ông lớn đầu ngành sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam qua WinCommerce với 3.828 điểm bán, trong đó có 748 cửa hàng WinMart, 1.336 cửa hàng tạp hóa WinMart+ tính đến cuối 2024, cho biết.
Tuy mang triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, Masan thừa nhận các nhà bán lẻ vẫn phải hiện đại để đối mặt với nhiều thách thức. Xu hướng tiêu dùng và các cuộc đua khuyến mãi lớn nhỏ sẽ khiến một thị trường đang kể cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, nhất là ở các thành phố lớn.
Sự gia tăng của thương mại điện tử khiến các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào logistics, số hóa chuỗi cung ứng và tăng cường trải nghiệm khách hàng trực tuyến nếu muốn duy trì vị thế cạnh tranh. Ngoài ra, những biến đổi về kinh tế toàn cầu, bảo vệ người tiêu dùng, chi phí vận hành và các yêu cầu pháp lý cũng đặt ra thách thức đối với sự tăng trưởng bền vững.
Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng, nhất là khi chi phí nguyên vật liệu và thuê mặt bằng có xu hướng tăng cao. Nhìn về tương lai, ngành bán lẻ thực phẩm hiện đại tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ, vượt xa các mô hình truyền thống. Đầu tư vào logistics, số hóa chuỗi cung ứng và ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ là những yếu tố then chốt giúp nhà bán lẻ hiện đại vươn tầm. Thị hiếu tiêu dùng thay đổi, nhất là trong nhóm dân số trẻ và trung lưu có nhu cầu thực dụng, sẵn sàng mua hàng nhanh chóng, tiện lợi sẽ tiếp tục là động lực dẫn dắt ngành bán lẻ thực phẩm hiện đại trong thời gian tới. Ngoài ra, cải thiện hợp nhất thị trường từ các thương vụ M&A sẽ giúp các đơn vị hiện diện thị trường mua lại hợp sáp nhập với các doanh nghiệp nhỏ để tối ưu hóa hệ thống và nâng cao hiệu quả hoạt động, Masan cho biết.
Chia sẻ thêm về câu chuyện cạnh tranh giữa các ông lớn ngành bán lẻ, theo bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WinCommerce (WCM), trước hết, sau quá trình tái cơ cấu, WCM đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên đạt lợi nhuận sau thuế dương trong năm 2024. Thành quả này mở ra một chương mới cho chặng đường tăng trưởng có lợi nhuận một cách bền vững. "Masan không có quan điểm hay phát biểu nào về sự cạnh tranh cùng các đối thủ. Chúng tôi chỉ tập trung và chú tâm vào việc của mình, hoạt động của mình sao cho phục vụ khách hàng tốt nhất. Tuy nhiên chúng tôi cũng nghĩ rằng trong một thị trường bán lẻ còn dư địa rất rộng lớn, việc có thêm sự cạnh tranh sẽ giúp thị trường luôn sôi động và người được lợi sẽ chính là người tiêu dùng”, Tổng giám đốc WCM nhấn mạnh.
Năm 2025, WCM dự kiến doanh thu thuần từ 35.600-36.900 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng từ 8-10% so với cùng kỳ năm trước và đạt lợi nhuận trước thuế tương đương.
Cũng nhìn nhận về triển vọng nền kinh tế Việt Nam năm 2025 với các tín hiệu tích cực, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) cho rằng, tuy nhiên, những biến động chính trị toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh trong nước. Sức mua đang dần phục hồi nhưng chưa trở lại mức trước đại dịch.
“Trong bối cảnh đó, MWG tiếp tục kiên định với định hướng tăng trưởng bền vững, tập trung tối ưu vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Chúng tôi không chạy theo số lượng mà đặt trọng tâm vào chất lượng, những giá trị cốt lõi và thực sự hữu ích cho khách hàng. Với nền tảng nội lực vững chắc, tập đoàn sẵn sàng thích ứng với những biến động của thị trường, có sức mạnh để hiện thực hóa mục tiêu 150 nghìn tỷ đồng doanh thu và 4.850 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế” ông Tài chia sẻ với các cổ đồng.
Hoạt động bán lẻ của MWG trên thị trường, có cốt lõi tập trung ở điện thoại di động và điện máy (ICT-CE), sau đó mở rộng thực phẩm tiêu dùng (FMCG) và dược phẩm cùng một số mặt hàng khác. Năm 2025, trong nhận định của MWG, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm ICT - CE được dự báo sẽ dần phục hồi, tuy nhiên, vẫn chưa thể đạt mức trước đại dịch Covid-19. Về dài hạn, động lực tăng trưởng đến từ sự phổ biến ngày càng rộng rãi của smartphone 5G và các thiết bị tích hợp Al tại Việt Nam. Đồng thời, thế hệ người tiêu dùng mới với xu hướng đón nhận công nghệ mạnh mẽ cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm điện tử tiêu dùng thông minh, đặc biệt là thiết bị tích hợp loT. Ngoài ra, sự xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu điện tử tiêu dùng loT với mức giá hợp lý cũng là yếu tố quan trọng giúp mở rộng thị trường.
Theo MWG, tỷ lệ hộ gia đình sở hữu các sản phẩm điện máy vẫn chưa đạt mức như các nước trong khu vực, và còn tiềm năng tiếp tục tăng trưởng. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện máy hiện đại, điện gia dụng với nhiều tính năng thông minh và tự động nhằm tiết kiệm sức lao động và thời gian của người sử dụng có xu hướng ngày càng tăng cao giúp kích thích nhu cầu thay thể sản phầm.
Trong khi đó, đối với thực phẩm và FMCG, xu hướng chuyển dịch mua sắm thực phẩm và FMCG từ chợ truyền thống sang các kênh bán lẻ hiện đại tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong năm 2025. Các chuyên gia dự báo thị phần bán lẻ truyền thống sẽ tiếp tục thu hẹp, trong khi kênh bán lẻ hiện đại duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt là mô hình siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi. Thị trường thực phẩm và FMCG tại Việt Nam được ước tính đạt hơn 50 tỷ USD và không ngừng mở rộng, với sự gia tăng của các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiện lợi và tiêu dùng nhanh. Việc tập trung phát triển trong lĩnh vực có giá trị thị trường lớn này được kỳ vọng sẽ giúp Công ty duy trì mức tăng trưởng hai con số, đồng thời củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành bán lẻ hiện đại, MWG cho biết.
Công ty này cũng đặt kỳ vọng cao về động lực tăng trưởng cho bán lẻ dược phẩm (MWG có chuỗi bán lẻ An Khang), và sự mở rộng mạnh mẽ của kênh bán lẻ online.
Nhìn chung, thị trường bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ với cơ hội phát triển lớn. Khi xu hướng tiêu dùng thay đổi, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và quá trình tích hợp số diễn ra, các nhà bán lẻ cần có chiến lược linh hoạt, đầu tư vào công nghệ và tối ưu vận hành. Với sự hỗ trợ từ các chính sách nhà nước, sự cải thiện cơ sở hạ tầng và nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng, ngành bán lẻ hiện đại có thể giữ vững vị thế cạnh tranh bền vững và hướng đến sự đổi mới dài hạn trong thị trường đầy tiềm năng này.
Mặc dù sự tập trung các mặt hàng và lợi thế trong bán lẻ của các doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ là không hoàn toàn trùng khít nhau, nhưng triển vọng từ các động lực mở ra cơ hội trong cạnh tranh. Masan đang đi đầu về việc không chỉ tạo ra những sản phẩm thiết yếu hàng ngày, còn mang đến trải nghiệm mua sắm toàn diện và chuyên biệt ở mọi hình thức và nền tảng. MWG như một “case” được chờ đợi về sự trở lại sau giai đoạn tăng trưởng mạnh và đi vào bão hòa từ ICE-IT, với nhân tố có thể đóng góp điểm nhấn thú vị mới cho sàn chứng khoán như Bách Hóa Xanh trong nay mai...
Tựu trung, cơ hội của thị trường trong mắt các doanh nghiệp lớn đều đang mở ra. Và trong thị trường rộng lớn này, thị trường cũng đang chờ đợi những cuộc “so kè” năng lực mạnh mẽ hơn nữa, đến từ các đại gia Thaco, BRG, FPT Retail…; chưa kể nhóm thương mại điện tử TikTok Shop, Tiki, Shopee, Lazada… cũng vẫn đang chiếm miếng bánh lớn thị phần bán lẻ trực tuyến đa ngành.