các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.

Theo Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, hàng sợi dệt chưa phải thế mạnh của Việt Nam nên sẽ khó tận dụng cơ hội này để vào Trung Quốc. Do đó, để doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi thực sự thì phải chờ đợi thêm việc áp thuế lên hàng may mặc Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện vẫn có khoảng 20 mặt hàng dệt may Việt Nam có thể có cơ hội chiếm thị phần tại Mỹ, tập trung vào các loại thảm, sợi PE đơn độ co giãn cao, vải dệt kim, vải canvas...

Được biết, sản phẩm vải sợi có xuất xứ từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị áp thuế tới 25% từ đầu năm 2019. Theo ông Nguyễn Hồng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, không loại trừ khả năng các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó phần nhiều là các doanh nghiệp Trung Quốc, sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may mặc tại Việt Nam, để tránh ảnh hưởng từ đòn trừng phạt thương mại của Mỹ.

Trong trường hợp này, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam không được hưởng lợi nhiều, bởi hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ có thế mạnh và kinh nghiệm về khâu may. Hiện nguồn nguyên liệu phục vụ ngành dệt may Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu, một phần lớn nhập từ Trung Quốc. 

Cẩn trọng hơn, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ, chia sẻ: "Có rủi ro nếu phía Mỹ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc".

Bên cạnh đó, hàng may mặc Việt Nam sẽ là đối tượng vào tầm ngắm kiểm soát nhiều nhất vì Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.