Một số công nghệ đốt rác phát điện đã được áp dụng tại Việt Nam từ lâu nhưng còn nhiều hạn chế. Mới đây, Việt Nam đã đưa công nghệ xử lý rác INTEC-TCP của Đức với nhiều ưu thế, giảm ô nhiễm môi trường.

Để làm rõ hơn những thông tin về công nghệ này, Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam.

- Ông đánh giá như thế nào về thực trạng ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải tại Việt Nam hiện nay?

Hiện nay, rác thải sinh hoạt đang là vấn đề lớn ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, có bãi rác Nam Sơn, ở Đà Nẵng là bãi rác Thanh Sơn, còn Hải Phòng phải kể đến bãi rác Tràng Cát.

Sơ đồ mặt bằng nhà máy điện rác công nghệ mới

Sơ đồ mặt bằng nhà máy điện rác công nghệ mới

Theo số liệu thống kê, tại Đà Nẵng rác thải sinh hoạt mỗi ngày khoảng 1.100 tấn, tương đương hơn 400.000 tấn/năm. Vì thế, bãi rác Thanh Sơn hiện tại đang chất chứa hơn 3 triệu tấn rác, bốc mùi và hôi thối.

Ước tính đến năm 2030 thì rác thải sinh hoạt tại Đà Nẵng sẽ tăng gấp đôi, vào khoảng 2.200 tấn/ngày. Còn tại TP. HCM, mỗi ngày TP. thải ra 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Như vậy, một năm sẽ TP. sẽ thải ra gần 4 triệu tấn rác thải.

Chúng tôi thấy thấy cuộc sống của người dân quanh khu vực các bãi rác bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, chính quyền một số nơi không giải quyết dứt điểm tình trạng rác thải ô nhiễm, bồi thường cho cư dân. Vì thế, nhiều lần người dân đã chặn đường, ngăn chặn các xe chở rác để yêu cầu đối thoại dẫn đến tình trạng ùn ứ rác tại nội thành. Sau mỗi lần đối thoại, chính quyền cũng có xử lý, nhưng chỉ được một thời gian tình trạng trên lại như cũ.

 - Việc xử lý rác thải tại Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu đang áp dụng công nghệ xử lý rác khá sơ đẳng. Phần lớn, lượng rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp “khuất mắt” nhưng lượng khí thải độc hại rất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các chất thải sẽ rỉ nước, ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước.

 

Tại một số thành phố lớn, đã áp dụng phương pháp xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt điện. Điểm nổi bật là sau khi xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt điện, tỷ lệ rác cặn còn lại rất ít. Đối với công nghệ thông thường hiện nay tỷ lệ rác cặn chiếm đến 30%, nghĩa là cứ 100 tấn rác có khoảng 30 tấn rác cặn phải đem đi chôn lấp. Tuy nhiên, với công nghệ xử lý rác INTEC-TCP mà công ty chúng tôi đang áp dụng, tỷ lệ rác cặn sau khi xử lý chỉ còn khoảng 2%, trong khi đó mức độ cho phép ở mức 5%.

Hơn nữa, công nghệ này không thải ra khí độc hại; không dùng nguồn điện năng từ bên ngoài, nghĩa là điện tự sản xuất, tự vận hành; Nguồn điện năng phát ra từ khâu xử lý rác đủ lớn để phát lên lưới điện quốc gia với công suất khoảng 200 triệu kWh/năm. Đặc biệt, với công nghệ này khâu phân loại rác có thể bỏ qua. Rác sau khi đốt sẽ thành khí, chứa năng lượng để sản xuất điện và than cốc sử dụng trong công nghiệp luyện kim và sản xuất xi măng. 

- Vốn đầu tư cần cho một dự án xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại, tính trung bình là bao nhiêu, thưa ông?

Theo tính toán, một dây chuyền công nghệ cho nhà máy xử lý rác tương ứng cần khoảng 250 triệu USD. Trong đó thiết bị chiếm 70-80% tổng vốn đầu tư, diện tích đất để xây dựng nhà máy khoảng 4ha. Đến năm 2030 có thể cần 10ha với công suất 2.500-3.000 tấn rác/năm. Giá thành xử lý rác ước tính 21USD/tấn.

Ngoài ra, nguồn thu của nhà đầu tư còn được bổ sung từ việc bán điện phát ra từ quá trình xử lý rác, bán các phế liệu thu được như thép, thủy tinh, sắt… Với thực tế các TP của Việt Nam hiện nay, quy mô 1 nhà máy như vậy có thể thu hồi vốn đầu tư sau 12 năm, từ năm 13 trở đi nhà đầu tư có lãi. 

Bốn hệ thống trong nhà máy

Bốn hệ thống trong nhà máy

- Để giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thực hiện dự án đốt rác phát điện công nghệ mới, theo ông cần những chính sách gì?

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách, để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ. Sau đó, chính quyền, người dân cần thực hiện thực hiện đúng chính sách của nhà nước.

Bên cạnh đó, hồ sơ mời thầu, chọn thầu phải thực hiện đúng. Ví như, điện phát ra thì dân sẽ mua điện với mức giá 10,5cent/1kwh và lượng rác vào trả đúng 21USD/ tấn, cấp đất khuyến khích thực hiện dự án.

Vấn để cốt lõi là yếu tố con người. Người lãnh đạo phải có cái tầm và cái tâm và đội ngũ tư vấn chính xác. Bởi các nhà lãnh đạo không phải các nhà nghiên cứu khoa học. Những quyết định của họ đôi khi dựa vào nền tảng thông tin rối loạn họ sẽ không biết được hết các ưu - nhược cụ thể để đưa ra quyết định chính xác.

Ngoài ra, nhà nước cần có bộ máy kiểm soát thật chặt; có cơ chế kiểm tra, kiểm soát ở tất cả các địa phương. Việc kiểm tra phải độc lập theo nhiệm kỳ và giám sát xử lý triệt để. Khi công tác giám sát kiểm tra tốt, thì các chính sách thực hiện tốt, đất nước sẽ giàu mạnh.

Xin cảm ơn ông!