Nhiều tuyến đường tại Hà Nội thường xuyên bị tắc trong giờ cao điểm.


Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy đã phản hồi như vậy trước thông tin Vietnamnet dẫn lời Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khi ông Viện cho rằng “Chúng tôi có nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) thấy lộ trình của họ là 3-5 năm. Với tình hình Hà Nội, chúng tôi đặt ra lộ trình dài 12-13 năm, khi đủ điều kiện thì mới cấm”.

Nói về lý do cấm xe máy, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng xe máy tuy thuận tiện nhưng có quá nhiều thì không chỉ gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

“Nếu không kiểm soát được xe máy, đến một lúc nào đó thiệt hại từ ùn tắc giao thông sẽ để lại hậu quả hết sức nặng nề cho thành phố”. – ông Viện nói.

Ông cũng cho rằng, việc đi xe máy ở nước ta hiện nay giống như Trung Quốc cách đây 10-15 năm, do vậy để thay đổi cần có giải pháp đồng bộ, trong đó có vấn đề phát triển vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng không nên so sánh việc cấm xe máy ở Hà Nội với Bắc Kinh bởi khi cấm, vận tải công cộng Bắc Kinh đã đáp ứng 60% nhu cầu đi lại của người dân. Đó là chưa kể Bắc Kinh là thành phố có khí hậu lạnh giống các nước châu Âu, ít người đi xe máy nên việc cấm cũng dễ dàng hơn. 

Trong khi đó, theo một khảo sát của trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, phương tiện giao thông công cộng của chúng ta chỉ đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu đi lại của người dân tại các tỉnh thành, ngoại trừ Hà Nội và TP HCM. Ngay tại 2 đô thị lớn này, hệ thống giao thông công cộng cũng chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại, thấp hơn nhiều so với các thành phố châu Á khác.

Theo khảo sát từ phía người dân, tỷ lệ người chọn xe máy thay vì các phương tiện giao thông công cộng (xe bus, tàu điện) hoặc ôtô vẫn ở mức vượt trội, đạt 56 đến 89%. Tại các đô thị trung bình, tỷ lệ lựa chọn này còn cao hơn nữa, đạt mức 89-93%.

Nói thêm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Viết Trung (Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, đã có bài học của Bắc Kinh (Trung Quốc) về chuyện này. Họ cấm xe máy thành công nhưng lượng ô tô riêng gia tăng chóng mặt. Hệ quả là Bắc Kinh ô nhiễm khủng khiếp. Đó cũng là vấn đề mà Hà Nội phải tính toán đến.

"Cần phải ghi nhận rằng dự thảo của Hà Nội cũng đưa ra biện pháp hạn chế ô tô. Chẳng hạn, cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh...

Thế nhưng dự thảo lại không tính đến chuyện xe vào Hà Nội không phải của người Hà Nội. Chẳng hạn, họ không cho đăng ký xe ở Hà Nội thì người dân đăng ký ở tỉnh khác và vẫn đi về Hà Nội. Như vậy, giải pháp cấm đăng ký không thành công, người dân sẽ có cách lách luật", GS.TS Nguyễn Viết Trung phân tích.

GS.TS Nguyễn Viết Trung cho rằng  những người biên soạn đã tỏ ra khá thận trọng, tuy nhiên cái hở của dự án là chưa chỉ ra được người dân sẽ thay thế xe máy bằng phương tiện gì.

"Đề án viết theo kiểu làm cho mọi người hiểu rằng cấm xe máy trong nội thành thì sẽ thay bằng phương tiện công cộng, nhưng lại không nói rõ phương tiện công cộng này bao gồm những cái gì? Ngay cả Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng lập ra kế hoạch chỉ phát triển được 20% lượng vận tải". - Vị chuyên gia nêu nhận xét.

Liên quan đến việc thành phố đang nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng nếu cấm xe máy quá sớm sẽ dẫn đến hàng triệu người không có phương tiện đi lại, trong khi các phương tiện công cộng chỉ đảm đương được từ 8% đến 10% nhu cầu, cùng lắm đến năm 2030 thì tăng được 20% đến 25%.

"Cấm 1 trong 2 con đường này là vô hình trung cấm hàng trăm con đường khác, như vậy là không khả thi và không thể cấm được" - ông Thủy nhận định.