>> Cần triển khai cả tín dụng bất động sản cùng tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp

Khó cải thiện thị trường

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, Bộ Tài chính đã đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với một số quy định, như xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; quy định về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc; và quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu.

Vấn đề lớn nhất trên thị trường TPDN hiện nay là niềm tin của nhà đầu tư, những doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm chắc chắn sẽ tạo được niềm tin tốt hơn trong giai đoạn này

Vấn đề lớn nhất trên thị trường TPDN hiện nay là niềm tin của nhà đầu tư, những doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm chắc chắn sẽ tạo được niềm tin tốt hơn trong giai đoạn này

Nghị định sửa đổi này đang thu hút sự chú ý và kỳ vọng của thị trường, tuy nhiên, tác động từ việc sửa đổi liệu có mang lại hiệu quả như mong muốn đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long phân tích, với việc sửa đổi như Bộ Tài chính đề xuất có thể mở ra cơ hội cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ để giãn thời gian trả nợ, nhưng không có nghĩa là cho phép doanh nghiệp được tự động giãn các khoản nợ. Điều mấu chốt còn phụ thuộc vào những người sở hữu trái phiếu mà trong dự thảo Nghị định sẽ quy định tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trái chủ đồng ý, thì mới có thể thay đổi các điều khoản của TPDN.

Cùng với đó, dự thảo có đề xuất lùi thời hạn áp dụng xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, ngay cả trong Nghị định 65, xếp hạng tín nhiệm cũng chỉ áp dụng với một số khoản phát hành trái phiếu có điều kiện, là giá trị trên 500 tỷ đồng, hoặc vốn lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu. Điểm này vô hình chung ban đầu có thể tạo ra khó khăn, nhưng thực tế có rất nhiều đợt phát hành không cần đến điều kiện về quy mô lớn như vậy để bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm.

Ông Long nhận xét, việc lùi quy định nêu trên đối với một số đợt phát hành trái phiếu có điều kiện cũng chỉ tạo điều kiện hơn một phần nào đó cho doanh nghiệp và mức độ tác động gần như không đáng kể đối với thị trường. Không thể phủ nhận rằng, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu với giá trị lớn lô lớn, thì xếp hạng tín nhiệm cũng là điều tốt cho doanh nghiệp. Bởi vấn đề lớn nhất trên thị trường TPDN hiện nay là niềm tin của nhà đầu tư, những doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm chắc chắn sẽ tạo được niềm tin tốt hơn trong giai đoạn này.

Hay đối với quy định nhà đầu tư trái phiếu phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp đã có từ lâu nhưng trong Nghị định 65 yêu cầu chặt chẽ hơn. Trước đó, nhiều đơn vị phát hành đã lách luật, thông qua các hợp đồng hợp tác và đẩy qua hệ thống ngân hàng, các công ty chứng khoán và cuối cùng là xé nhỏ ra bán cho nhà đầu tư.

“Từ cuối năm 2022 đến nay, chúng ta đã nghe rất nhiều thông tin về các nhà đầu tư không hiểu về TPDN, thậm chí một số ngân hàng có thay đổi khái niệm chuyển thành trái phiếu tiết kiệm, tiết kiệm linh hoạt,... để thay đổi bản chất của trái phiếu.

Việc Nghị định 65 sửa đổi đưa ra nhằm ngăn ngừa những rủi ro cho nhà đầu tư là yêu cầu nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có 2 tỷ đồng trong tài khoản chứng khoán và duy trì trong vòng 6 tháng. Vậy dự thảo sửa đổi lùi điều kiện áp dụng đó đến 1/1/2024 sẽ không làm thay đổi nhiều bản chất và hiện trạng của thị trường hiện tại. Bởi vì nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, những người mua TPDN phát hành riêng lẻ vẫn phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, chỉ là chưa phải áp dụng điều kiện như đã nêu trên”, vị chuyên gia đánh giá.

>> Tháo gỡ pháp lý bất động sản, khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Gỡ đúng nút thắt

Trao đổi với báo chí, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI cho rằng, thay vì lùi thời gian áp dụng bắt buộc mọi doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp trước khi phát hành TPDN, thì nên có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành TPDN.

Nếu lùi thời điểm áp dụng quy định buộc xếp hạng tín nhiệm tới 1/1/2024, sẽ làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư và có thể ảnh hưởng tới niềm tin thị trường

Nếu lùi thời điểm áp dụng quy định buộc xếp hạng tín nhiệm tới 1/1/2024, sẽ làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư và có thể ảnh hưởng tới niềm tin thị trường

Có thể áp dụng một số cơ chế ưu đãi với doanh nghiệp đã thực hiện xếp hạng tín nhiệm như: cho phép họ phát hành TPDN mà không cần tài sản bảo đảm, lãi suất huy động thấp hơn, cho phép phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp ở hạn mức cao hơn...

Ngược lại với doanh nghiệp chưa thực hiện xếp hạng tín nhiệm, nếu phát hành TPDN phải tuân thủ điều kiện phát hành khó hơn, ngặt nghèo hơn. Như vậy mới khuyến khích các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện xếp hạng tín nhiệm, thị trường mới được nhờ.

“Giờ nếu chúng ta lùi thời điểm áp dụng quy định buộc xếp hạng tín nhiệm tới 1/1/2024, sẽ làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư và có thể ảnh hưởng tới niềm tin thị trường. Việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cần thực hiện càng sớm càng tốt, với một lộ trình cụ thể để minh bạch thị trường chứng khoán, trái phiếu, chúng ta lùi cả chục năm nay rồi nhưng lại thiếu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện. Vai trò Nhà nước trong vấn đề này cần mạnh mẽ hơn, vấn đề ở đây là lựa chọn và đánh đổi”, LS. Trương Thanh Đức khuyến nghị.

Thêm một vấn đề cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là, nếu trái phiếu đến hạn thanh toán mà doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì sao? Trả lời cho câu hỏi này, ông Phan Lê Thành Long đã đưa ra một kinh nghiệm từ Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc trong năm ngoái. Khi nhà phát triển bất động sản này không trả được nợ, họ đã đàm phán với chủ nợ, đặc biệt là những khoản trái phiếu được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức và sử dụng các tài sản đảm bảo là bất động sản để xử lý một phần trong cơ chế được xử lý, còn trái phiếu phát hành riêng lẻ nhưng có tới 5.000 -10.000 nhà đầu tư thì việc đàm phán gần như bất khả thi.

Còn trong trường hợp doanh nghiệp không thể trả được nợ, không đàm phán được hay không sử dụng tài sản để giãn, thì họ có thể xin bảo hộ phá sản. Theo luật phá sản, các doanh nghiệp được xin bảo hộ nghĩa là có thêm thời gian để tìm ra các phương án tái cấu trúc các khoản nợ đó. Với doanh nghiệp bất động sản cũng tương tự, họ sẽ tính toán các phương án để tái cấu trúc, gạn lọc tài sản, nguồn tiền để trả nợ theo thứ tự cho nhà đầu tư.

“Quá trình tái cấu trúc đó không thành công và buộc phá sản thì chúng ta sẽ xếp hạng các khoản nợ theo luật phá sản và các nhà đầu tư trái phiếu phải hiểu họ đã mua trái phiếu đó có tài sản đảm bảo không, có cam kết ưu đãi trả nợ trước so với các đối tượng khác không, hay tài sản đảm bảo có thì có còn tồn tại hay không...

Vừa qua, có nhiều doanh nghiệp đã trình bày ngay trên báo cáo tài chính là tài sản bảo đảm đã không còn giá trị nữa, ví dụ như rừng cây hoặc vật nuôi,... không còn, vì thế trái chủ không thể lấy các tài sản khác như bất động sản mà phải lấy đúng tài sản đảm bảo của chính lô trái phiếu đã mua. Nếu tài sản đảm bảo là cổ phiếu hoặc những tài sản hình thành trong tương lai thì điều này càng trở nên khó khăn trong việc lấy lại. Ngoài ra còn là yếu tố thời gian, từ bảo hộ phá sản, tái cấu trúc đến phá sản thật, ra tòa án xử lý tài sản, thừa phát lại có thể kéo dài hàng năm, thậm chí từ 5-10 năm”, vị chuyên gia giải thích.