>>> Bộ Xây dựng: Nghiêm túc xem xét, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

>>> Chủ tịch VCCI: Cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng là gói cứu trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp

Thủ tục hành chính thực hiện một dự án bất động sản kéo dài trung bình 3 năm trời và tắc nhiều ở công tác thẩm định giá đất. (ảnh: DH)

Kết quả khảo sát, nghiên cứu của VCCI về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan mới đây cho thấy có tới 50% số doanh nghiệp nói chung gặp khó khăn về các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 40,9% gặp khó về quyết định chủ trương đầu tư; 48% vướng mắc về các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; 41,4% gặp khó trong thực hiện thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; 42,9% gặp khó khăn về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Doanh nghiệp chới với vì thủ tục

Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra mặc dù đã có sự cải thiện so với năm 2019 khi  khảo sát cho thấy có 4/10 nhóm thủ tục được doanh nghiệp phản ánh dễ dàng hơn so với năm trước đó bao gồm "quyết định chủ trương đầu tư", "các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng", "các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị" và "Kết nối cấp điện". Tuy nhiên, vẫn có đến 6 nhóm thủ tục còn lại có mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục giảm so với năm 2019.

Trong khi đó, từ cương vị đại diện các doanh nghiệp nhà thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cũng bày tỏ, quy trình đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng như một ma trận khi phải trải qua 177 bước. Nếu chính quyền các địa phương không có phương án giải phóng mặt bằng và đền bù thoả đáng, dự án có thể bị đình trệ kéo dài bởi các tranh chấp và khiếu kiện.

Quy trình đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng như một ma trận

Cũng ghi nhận thực tế trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, thủ tục hành chính kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản. Hiện thủ tục hành chính đang kéo dài trên dưới 3 năm với mỗi dự án, ảnh hưởng đến dòng tiền, kế hoạch kinh doanh, làm tăng giá nhà mà nguyên do bởi tồn tại một số vướng mắc, bất cập đối với các quy định về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, việc sớm cắt giảm thủ tục hành chính trong xây dựng là vô cùng cấp thiết. Giúp khơi thông được dòng chảy của thị trường bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh giá nhà liên tục tăng cao vì thiếu nguồn cung như hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA đề nghị Bộ Xây dựng sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2021/TT-BXD bổ sung quy định về “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở”.

Đồng thời, ông Lê Hoàng Châu đề nghị Bộ Xây dựng cho phép doanh nghiệp được thực hiện dự án đầu tư xây dựng phòng trọ, nhà trọ; không bổ sung “quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư”; Dự thảo Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) không “đề xuất bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua các sàn giao dịch bất động sản” vì sẽ tạo “đặc quyền, đặc lợi” cho sàn giao dịch, không công bằng giữa các doanh nghiệp và không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật.

Rút ngắn thủ tục định giá đất

Về cải cách thủ tục hành chính, ông Lê Hoàng Châu đề nghị Bộ Xây dựng làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh (và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để hướng dẫn, xây dựng quy trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại có sử dụng đất theo đề xuất sau: Bước 1, thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, hoặc lựa chọn nhà đầu tư. Bước 2, thực hiện thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Bước 3, thực hiện thủ tục giao thuê đất hoặc cho thuê đất và/hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Bước 4 là thực hiện song song và nối tiếp các thủ tục hành chính; Bước 5 là thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư.

Mặt khác, ông Lê Hoàng Châu cũng đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến “đôn đốc” các địa phương khẩn trương thực hiện Nghị định 148/2020/NĐ-CP quy định cơ chế xử lý các diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án đầu tư; giao UBND cấp tỉnh quy định “tiêu chí” thửa đất đủ điều kiện tách thành dự án độc lập.

Đến nay đã hơn 10 tháng mới có khoảng 10 tỉnh ban hành Quy định này, còn hơn 50 tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành Quy định, mà nguyên nhân chính là “tâm lý sợ sai, sợ bị vướng pháp luật dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm” của một số cán bộ công chức.

Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu đề nghị Bộ Xây dựng ủng hộ đề xuất “đột phá” của Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị trình Chính phủ cho phép áp dụng “phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất” rất minh bạch, đơn giản để tính tiền sử dụng đất các dự án không phân biệt là quy mô diện tích, vừa rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính từ trên dưới 3 năm xuống còn khoảng 15 ngày và bảo vệ được cán bộ công chức Nhà nước, tránh được “rủi ro” pháp lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho rằng, cần có cơ chế bồi thường đất, về vấn đề định giá đất. Đề nghị các tỉnh công bố hệ số định giá đất để các nhà đầu tư có thể tính toán được chứ không phải đợi Hội đồng định giá. Các văn bản luật hiện nay đang có sự chồng chéo, cần có đầu mối thống nhất giữa các Bộ để điều phối chung.