Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thời gian tới sẽ nghiêm túc đánh giá, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng.
>>Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Lấy COVID-19 là động lực đột phá hoàn thiện thể chế
Sáng 26/11/2021, Bộ Xây dựng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng phối hợp tổ chức Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp “Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan”.
Tại sự kiện này, sau khi ghi nhận báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường” năm 2020 do VCCI tiến hành điều tra, khảo sát với sự tham gia của gần 2.000 doanh nghiệp trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, nghiêm túc đánh giá, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng.
Theo Báo cáo của VCCI nghiên cứu và công bố, trong số 10 nhóm thủ tục được đánh giá, thì các doanh nghiệp cho biết còn gặp khó khăn nhất định khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Có thể bạn quan tâm |
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai nhóm thủ tục kể trên lần lượt là 50% và 48%, cao nhất trong các thủ được đánh giá. Đối với nhóm thủ tục liên quan đến thẩm định, thẩm duyệt, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện 3 nhóm thủ tục này lần lượt là 43,7%, 42,9% và 41,4%.
Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra mặc dù đã có sự cải thiện so với năm 2019 khi khảo sát cho thấy có 4/10 nhóm thủ tục được doanh nghiệp phản ánh dễ dàng hơn so với năm trước đó bao gồm "quyết định chủ trương đầu tư", "các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng", "các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị" và "Kết nối cấp điện". Tuy nhiên, vẫn có đến 6 nhóm thủ tục còn lại có mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục giảm so với năm 2019.
Đặc biệt, một vài thủ tục thậm chí có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuân thủ cao hơn đáng kể như "thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy", "thấm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" và "thấm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng". Đặc biệt, thời gian để hoàn thành thủ tục về cấp phép xây dựng vẫn tương đối dài, bình quân là 23.93 ngày nếu không tính thời gian chấp thuận và xin quyết định chủ trường đầu tư.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, một trong những điểm đáng chú ý trong kết quả điều tra khảo sát là việc trải nghiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các thủ tục đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường nhìn chung tích cực hơn đáng kể so với doanh nghiệp tư nhân trong nước trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi thực hiện các dự án cao hơn doanh nghiệp FDI ở 6/10 nhóm thủ tục được đánh giá. "Liệu có hay không sự ưu ái nhất định cho các doanh nghiệp FDI hay các doanh nghiệp trong nước còn chưa thật chuyên nghiệp" - Chủ tịch VCCI đặt vấn đề.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay, cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng là gói cứu trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp.
Trước những kiến nghị, đối thoại của các doanh nghiệp cũng như ghi nhận kết quả báo cáo điều tra của VCCI, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định thời gian tới sẽ nghiêm túc đánh giá, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng.
Theo vị Tư lệnh ngành Xây dựng thời gian qua, ngành đã đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ông Nghị cho biết, chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 03 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 05 Nghị định, 07 Thông tư vào 02 Nghị định.
Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022, hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của Ngành năm 2021, 2022.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong cải cách TTHC liên quan nhưng cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Xây dựng đề nghị theo dõi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
05:00, 07/11/2021
Bộ Xây dựng lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho doanh nghiệp
20:56, 09/10/2021
Bộ Xây dựng: Sửa Luật Kinh doanh bất động sản, chuyên nghiệp hóa thị trường
14:00, 02/10/2021
Bộ Xây dựng chỉ đạo làm rõ thông tin mua bán nhà ở xã hội
17:00, 01/10/2021