Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tham quan gian hàng OCOP tại ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo – Chuyển đổi số - Sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam lần thứ ba – TechFest Quảng Nam 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tham quan gian hàng OCOP tại ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo – Chuyển đổi số - Sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam lần thứ ba – TechFest Quảng Nam 2022.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bắt đầu từ năm 2018 đã trở thành một giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng tầm các sản phẩm địa phương và cộng đồng khởi nghiệp.

Không chỉ mua và bán

Thông qua chương trình OCOP, các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn đã có nhiều đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội Quảng Nam. Đến hiện tại, nhiều sản phẩm OCOP đang dần trở thành một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện văn hóa, du lịch của các địa phương đến với khách hàng, đặc biệt là khách du lịch.

Anh Đinh Công Quân, chủ sở hữu và người tham gia sáng lập OCOP House (Hội An) đã tập hợp những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao, sản phẩm đặc sản địa phương, uy tín, đặc biệt là sản phẩm ở vùng sâu vùng xa đến tay người tiêu dùng, giúp người dân có thêm đầu ra cho sản phẩm. Theo anh Quân, chất lượng sản phẩm mà OCOP House hướng tới phải có xuất xứ rõ ràng, chất lượng đã được chứng minh.

“Đó có thể là những sản phẩm được phát triển qua quá trình khởi nghiệp, sản phẩm có chứng nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm công nghiệp - nông thôn tiêu biểu và những đặc sản địa phương uy tín lâu đời. Với chúng tôi, sản phẩm phải bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân, du khách và đạt tiêu chí “xanh” trước tiên”, anh Quân cho hay.

Tương tự, ông Lê Quốc Việt, Đồng sáng lập Chợ phiên Làng chài Tân Thành (sản phẩm OCOP 4 sao) cũng đang từng ngày gắn kết khách du lịch với sản phẩm địa phương. Tại phiên chợ làng chài này, định hướng của ông Việt cùng với những người làm du lịch khách là tạo dựng một điểm đến mà du khách có thể trải nghiệm đầy đủ các dịch vụ du lịch của địa phương và còn được mua sắm các sản phẩm đặc trưng để làm quà, sử dụng,...

“Du lịch là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Quảng Nam, vì vậy khi gắn kết thêm sản phẩm OCOP sẽ tạo dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới. Trong đó, các chương trình gắn liền với du lịch cộng đồng, du lịch xanh,... sẽ mang khách đến nhiều hơn đối với các vùng nông thôn, dàn trải đều không gian du lịch, tận dụng quảng bá những địa điểm mới còn chưa để thu hút thêm khách đến với địa phương.

>> Quảng Ninh: OCOP “kết duyên” du lịch

 Cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, một trong những giải pháp phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19 là đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ. Trong đó, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, bền vững, tạo dựng thương hiệu Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh.
Thông tin tại kỳ họp HĐND vừa qua, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay Quảng Nam đang có 282 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao OCOP. Tổng thu của OCOP năm 2021 khoảng 200 tỷ, năm 2022 khoảng 300 tỷ vì có tăng thêm 60 sản phẩm.

Cũng theo ông Tuấn, OCOP không cần số lượng, mà cần bám sát vào thương hiệu, mẫu mã, chất lượng. Do đó, nên tính việc liên kết trong phát triển sản phẩm OCOP, liên kết trong vấn đề sản xuất đầu ra và bảo hộ sản phẩm. Từ đó, đưa các sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có tính chất tích hợp, chứ không cần số lượng nhiều mà manh mún, không hiệu quả.

“Địa phương nên có trung tâm phát triển OCOP. Trong đó, doanh nghiệp thật sự là chủ thể trong liên kế, quảng bá, tìm đầu ra. Đồng thời, từ lâu nay tỉnh Quảng Nam cũng thường xuyên tổ chức các hội chợ, diễn đàn phục vụ phát triển sản phẩm OCOP dùng vốn ngân sách rất nhiều, nên cần điều chỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nhận định việc liên kết sản phẩm OCOP với du lịch cần được khuyến khích, qua đó phát huy được sản phẩm địa phương giúp cho người lao động, nghệ nhân gia tăng thu nhập.Theo ông Phùng, các địa phương cũng cần liên kết với nhau để trao đổi, học hỏi,... cùng nhau hoàn thiện, tương trợ nhau quảng bá sản phẩm bằng các sự kiện đến sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

“Để mối liên kết giữa sản phẩm OCOP và du lịch được phát huy hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm gắn với giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung xây dựng các điểm đến, đa dạng hoá các sự kiện, lễ hội, diễn đàn để giới thiệu và kết nối cung – cầu du lịch nông nghiệp,...”, ông Võ Phùng đề xuất.