Thái Bình quyết tâm nâng tầm thương hiệu, năng lực cạnh tranh sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch.
>>>Thái Bình: Bứt phá từ khu kinh tế
Đó là khẳng định của ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, về việc triển khai chương trình phối hợp và giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch.
Gắn sản phẩm OCOP với Du lịch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Lại Văn Hoàn khẳng định, đây là hướng đi đúng trong nâng tầm thương hiệu, năng lực cạnh tranh của sản phẩm OCOP, quảng bá, giới thiệu nét đẹp, bản sắc văn hóa Thái Bình vừa góp phần phát triển du lịch địa phương, từ đó tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất OCOP mở rộng thị trường.
Ông Đỗ Quý Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP (trong đó có 32 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, 32 sản phẩm xếp hạng 3 sao). Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2030, các sản phẩm tham gia OCOP được ưu tiên phát triển đột phá trên cơ sở nguồn lực sẵn có của cộng đồng; đa dạng ngành nghề, nhóm sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Các chủ thể sản xuất tham gia chương trình cũng sẽ được thành lập mới hoặc củng cố hoạt động của các chủ thể đã được thành lập (ưu tiên mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp ông Vũ Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thái Bình chia sẻ, chương trình kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch của tỉnh Thái Bình là chủ trương mới, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Có thể nhận thấy việc lồng ghép giới thiệu bán sản phẩm OCOP gắn với không gian trưng bày, quảng bá hình ảnh du lịch và tư vấn du lịch Thái Bình sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực thế mạnh từ hai phía. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch từ đó thu hút khách về với Thái Bình nhiều nhất.
Vừa qua, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm OCOP có xuất xứ từ nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng đổi mới, sáng tạo, tập trung liên kết, phát huy nội lực do các tổ chức kinh tế OCOP tại cộng đồng thực hiện.
Bên cạnh đó, tỉnh còn khuyến khích phát triển các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, hỗ trợ các hộ làm du lịch cộng đồng; phát triển và quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm đời sống cùng người dân địa phương trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của từng vùng, từng nghề truyền thống; đẩy mạnh việc phát triển các làng nghề truyền thống gắn với các tour du lịch cộng đồng theo chuyên đề.
Anh Trần Văn Đức - Chủ xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức chia sẻ, đến với làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng chúng tôi du khách được xem múa rối, hát chèo làng Quốc, ăn bánh cáy là một sự kết hợp tuyệt vời của việc gắn sản phẩm OCOP với du lịch. Đây là điều mà những người làm sản phẩm rất mong muốn, cũng nhờ du lịch mà sản phẩm chúng tôi được lan tỏa khắp nơi, thậm chí được mang sang nước ngoài làm quà biếu.
Khi du khách trải nghiệm một tour du lịch làng nguyễn, du khách không chỉ được ngắm phong cảnh làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm và chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống, anh Đức cho biết thêm.
Theo ông Trương Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, sau một năm thực hiện chương trình giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch đã góp phần đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, khuyến khích các cơ sở OCOP tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó nâng cao số lượng, giá trị sản phẩm tiêu thụ và thu nhập của người dân. Nhiều sản phẩm OCOP được lựa chọn là quà tặng mang tính đặc trưng của địa phương, làm phong phú thêm chương trình du lịch, góp phần tích cực vào công tác phát triển du lịch của tỉnh.
Tại hội nghị 5 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP và doanh nghiệp du lịch đã ký kết hợp tác giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm
Nâng tầm sản phẩm OCOP
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Lại Văn Hoàn cũng đề nghị các cấp, ngành, đơn vị cần đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Đồng thời đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử nhằm tăng cường kết nối cung cầu; các cơ sở sản xuất OCOP trong tỉnh cần tích cực hơn trong việc kết nối, vận chuyển sản phẩm trưng bày tại các khu, điểm du lịch.
Ông Hoàn đề nghị, hàng năm, sau khi có kết quả công nhận sản phẩm OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức công bố rộng rãi, kịp thời; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thông báo, hướng dẫn cụ thể trong qu ảng bá sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch; Hiệp hội Du lịch tỉnh cần lựa chọn những sản phẩm đặc sắc để tổ chức, tham gia các hội chợ, hoạt động du lịch ở trong và ngoài nước, qua đó, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng.
Được biết, đến năm 2030, các sản phẩm tham gia OCOP trên địa bàn Thái Bình sẽ được ưu tiên phát triển theo chiều hướng tạo nên tính mới, đột phá trên cơ sở nguồn lực sẵn có của cộng đồng (nguyên liệu, lao động, nguồn vốn); sản phẩm tham gia chương trình OCOP phải đa dạng các ngành nghề, nhóm sản phẩm trong toàn tỉnh.
Anh Hoàng Văn Vượng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Bảo An T&V (xã Song An, huyện Vũ Thư) chia sẻ: Qua sàn TMĐT, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tốt hơn, lượng tiêu thụ sản phẩm tăng lên và có nhiều khách hàng lớn biết tới sản phẩm liên hệ với doanh nghiệp đặt hàng với số lượng lớn. Doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng thêm các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và sản xuất các loại xúc xích cỡ lớn đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng; đồng thời thực hiện nghiêm quy trình chế biến theo tiêu chuẩn ISO:2200, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua sàn TMĐT, chúng tôi mong muốn khách hàng biết nhiều hơn tới sản phẩm của quê hương Thái Bình, từ đó tăng lượng tiêu thụ, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm