EU tiếp tục tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia chịu ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp lực thuế quan.
Động thái này của Liên minh châu Âu (EU) phản ánh sự chuyển hướng rõ nét của EU nhằm tăng cường tính tự chủ và khả năng phục hồi trong quan hệ kinh tế toàn cầu.
Phát biểu của bà Teresa Ribera, Ủy viên phụ trách cạnh tranh và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, trên Bloomberg TV ngày 14/7 cho thấy EU đang tập trung đẩy mạnh các cuộc đàm phán thương mại với nhiều đối tác trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ.
Bà nhấn mạnh “chúng tôi cần khám phá xem có thể tiến xa, đi sâu đến mức nào ở khu vực Thái Bình Dương với các quốc gia khác,” đồng thời gọi các cuộc đàm phán tự do thương mại với Ấn Độ là khá quan trọng. Theo dự kiến, thỏa thuận giữa EU và Ấn Độ sẽ được hoàn tất trước cuối năm 2025.
Trước đó, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết EU đang tìm cách hợp tác với các quốc gia đồng minh nhưng chịu mức thuế cao từ chính quyền Mỹ, bao gồm Canada và Nhật Bản, nhằm tìm cách phối hợp đối phó với hàng rào bảo hộ từ Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa tăng thuế mới đối với hàng hóa từ EU và các đối tác thương mại khác. Trong tình thế này, EU đang chuẩn bị các biện pháp đối phó, bao gồm tăng cường hợp tác với các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ.
Trong chuyến công tác tại Bắc Kinh, nơi bà Ribera tham gia các cuộc đối thoại khí hậu với lãnh đạo Trung Quốc, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường đã khẳng định rằng Trung Quốc vẫn cam kết theo đuổi phát triển xanh, phát thải thấp và tham gia vào quản trị khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm nghẽn.
Dù Trung Quốc thể hiện mong muốn thắt chặt quan hệ với châu Âu, EU vẫn duy trì lập trường thận trọng trước nhiều vấn đề tồn đọng. Trong đó có tình trạng dư thừa công suất công nghiệp tại Trung Quốc, các rào cản tiếp cận thị trường đối với doanh nghiệp EU, cũng như lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột tại Ukraine.
Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc đối với nam châm đất hiếm – một vật liệu quan trọng cho ngành công nghiệp công nghệ cao của châu Âu – đang gây thêm lo ngại cho EU.
Bà Ribera nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc kiểm soát đất hiếm không nên trở thành một nút thắt cổ chai cản trở khả năng thịnh vượng trên toàn cầu, và cho rằng cần tiếp tục đối thoại để tránh các thiệt hại kinh tế có thể xảy ra.
Song song với vấn đề thương mại, một trục đối thoại quan trọng khác giữa EU và Trung Quốc hiện nay là hợp tác về khí hậu. Dù cả hai bên thể hiện thiện chí đối thoại, EU vẫn chưa sẵn sàng ký kết một tuyên bố chung tại cuộc họp giữa tháng 7.
Lý do chính là lo ngại về tốc độ cắt giảm phát thải của Trung Quốc – quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Theo Ủy viên khí hậu EU Wopke Hoekstra, Trung Quốc vẫn chưa thể hiện đủ cam kết trong việc cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải carbon.
Dự kiến, hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc sắp tới sẽ là cơ hội để hai bên rà soát lại các điểm bất đồng và tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề then chốt.
Tuy nhiên, triển vọng hợp tác sâu rộng hơn vẫn phụ thuộc nhiều vào mức độ đáp ứng của Trung Quốc đối với các yêu cầu của EU về thương mại công bằng, tiếp cận thị trường và cam kết khí hậu rõ ràng.