Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò ngày càng chủ động và có trách nhiệm trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, tăng cường kết nối khu vực và phát triển bao trùm.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng PGS, TS Phạm Thị Hồng Điệp, Phó Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý kinh tế, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội để hiểu rõ hơn về chuỗi giá trị APEC và vai trò của Việt Nam.
- Với kinh nghiệm là Chuyên gia kinh tế và Phó Trưởng khoa, Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý kinh tế trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, bà nhìn nhận thế nào về vai trò của Việt Nam trong APEC?
Với tư cách là một thành viên tích cực của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò ngày càng chủ động và có trách nhiệm trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, tăng cường kết nối khu vực và phát triển bao trùm. Kể từ khi gia nhập APEC năm 1998, chúng ta đã hai lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà (năm 2006, 2017) và đăng cai năm 2027, cho thấy mức độ tin tưởng ngày càng tăng của các nền kinh tế thành viên đối với năng lực tổ chức và năng lực điều phối của Việt Nam.
Một điểm nổi bật là chúng ta đã khéo léo gắn kết các ưu tiên trong nước với các sáng kiến khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển bao trùm và chuyển đổi số. Trong APEC 2017, Việt Nam đã thúc đẩy chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” – nội dung này phản ánh đúng giai đoạn Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và hội nhập sâu rộng. Đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam không chỉ là “người tham gia” mà còn từng bước trở thành “người kiến tạo”.
Tóm lại, vai trò của Việt Nam trong APEC có thể được nhìn nhận trên ba chiều: (1) là một thành viên tích cực và trách nhiệm; (2) là cầu nối giữa các nhóm nền kinh tế; và (3) là tác nhân thúc đẩy các sáng kiến vì phát triển bao trùm, bền vững và đổi mới sáng tạo trong khu vực.
- Bà đánh giá thế nào về những lợi thế nội tại, con người, cơ sở hạ tầng, chính sách, mà Việt Nam đang sở hữu để gia tăng vị thế trong chuỗi giá trị APEC?
Trên thực tế, Việt Nam đang sở hữu một số lợi thế nội tại quan trọng để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị của khu vực APEC, đặc biệt trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.
Thứ nhất, chúng ta có vị trí địa lý thuận lợi. Việt Nam nằm tại trung tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cửa ngõ ra biển Đông và các tuyến hàng hải quan trọng toàn cầu. Cùng với 22 cảng biển lớn, hơn 10 sân bay quốc tế và hệ thống logistics đang được đầu tư mạnh, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm trung chuyển và sản xuất mới trong chuỗi giá trị APEC.
Thứ hai, môi trường chính trị ở Việt Nam ổn định - tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Trong suốt ba thập niên qua, Việt Nam duy trì được sự ổn định thể chế trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động, từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, bất ổn chuỗi cung ứng, cho đến cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng ở châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài và là đối tác tin cậy trong các cơ chế đa phương như APEC.
Thứ ba, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, 2023), Việt Nam thuộc nhóm có chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo và đào tạo kỹ năng đang tăng nhanh trong ASEAN. Tuy nhiên, sự mất cân đối giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu của nền kinh tế số vẫn là một thách thức lớn.
Thứ tư, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng nhất trong khu vực – hiện đã ký 16 FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới như CPTPP và RCEP, vốn đóng vai trò cốt lõi trong cấu trúc thương mại của APEC. Môi trường đầu tư kinh doanh cũng được cải thiện liên tục, thể hiện qua việc Việt Nam tăng 12 bậc trong chỉ số Đổi mới toàn cầu (GII) giai đoạn 2016–2023 (WIPO, 2023).
Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn một yếu tố đòn bẩy chưa được khai thác hết, tôi cho rằng công nghệ và hạ tầng số là lĩnh vực mang nhiều tiềm năng nhưng chưa tương xứng với vai trò chiến lược mà nó có thể đóng trong chuỗi giá trị mới của khu vực. Việc thiếu một hệ sinh thái số đồng bộ – từ hạ tầng, thể chế, đến nhân lực – đang khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội dịch chuyển lên các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất APEC. Do đó, nếu muốn gia tăng vị thế thực chất trong APEC, chúng ta cần đầu tư trọng điểm vào công nghệ số, dữ liệu mở, và năng lực đổi mới sáng tạo – đây sẽ là “chìa khóa” giúp nâng cấp vai trò từ “công xưởng” sang “trung tâm công nghệ và dịch vụ thông minh” trong chuỗi giá trị khu vực.
- Quan sát thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó trong việc kết nối vào các chuỗi sản xuất khu vực. Từ góc nhìn của chuyên gia kinh tế, theo bà, thể chế và chính sách nào cần được “điều chỉnh” hoặc “tạo mới” để khơi thông nút thắt này?
Đúng như quan sát thực tế, dù chúng ta đã hội nhập sâu rộng và trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều hiệp định thương mại tự do, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước – đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) – tham gia thực chất vào các chuỗi giá trị sản xuất khu vực vẫn còn thấp. Theo báo cáo của OECD (2023), chỉ khoảng 21% doanh nghiệp Việt Nam có liên kết bền vững với chuỗi giá trị toàn cầu, và con số này thấp hơn so với các nước như Malaysia (34%) hay Thái Lan (30%).
Từ góc độ thể chế và chính sách, tôi cho rằng có ba nhóm vấn đề cần được “điều chỉnh” hoặc “tạo mới” để tháo gỡ nút thắt này:
Thứ nhất, thể chế hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị – cần định hướng theo “hệ sinh thái ngành” thay vì hỗ trợ đơn lẻ. Hiện nay, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mới dừng ở cấp độ cá thể hóa, chưa tạo được liên kết hệ sinh thái ngành – ví dụ như giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, hay giữa các nhà cung ứng trong một chuỗi giá trị. Theo nghiên cứu của JETRO (2022), hơn 60% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cho rằng khó tìm được nhà cung ứng nội địa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng.
Do đó, chính sách cần điều chỉnh đó là tăng cường các chương trình kết nối doanh nghiệp theo chuỗi, có sự điều phối của nhà nước và hiệp hội ngành hàng, thay vì để doanh nghiệp “tự tìm đến nhau”. Đồng thời, cần thúc đẩy các khu công nghiệp chuyên ngành có tính tích hợp cao, nơi các doanh nghiệp lớn – nhỏ, trong và ngoài nước có thể hình thành mạng lưới sản xuất hiệu quả.
Thứ hai, chính sách nâng cấp năng lực công nghệ và tiêu chuẩn – hiện vẫn chưa đủ chiều sâu. Một điểm nghẽn khác là khoảng cách về năng lực công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, và quản lý chất lượng giữa doanh nghiệp Việt Nam và yêu cầu của các chuỗi giá trị APEC. Nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa tiếp cận được công nghệ lõi, thiếu nguồn lực để đầu tư máy móc hoặc chuyển đổi số.
Theo đó, chính sách cần tạo mới là phát triển các quỹ đổi mới sáng tạo công – tư (PPP), hỗ trợ tài chính có mục tiêu cho doanh nghiệp SME trong nâng cấp công nghệ. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật trong khu vực APEC, giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí tuân thủ và dễ dàng tham gia chuỗi cung ứng xuyên biên giới.
Thứ ba, cải cách thể chế hành chính và logistics – giảm chi phí giao dịch. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (WEF, 2023), chi phí logistics tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 16-17% GDP, cao hơn mức trung bình của các nền kinh tế APEC. Thủ tục hành chính, hải quan, và minh bạch hóa thông tin vẫn là rào cản với nhiều doanh nghiệp nhỏ khi tiếp cận thị trường khu vực.
Do vậy, chính sách cần điều chỉnh là đẩy nhanh chuyển đổi số trong thủ tục hải quan, logistics, và cấp phép xuất nhập khẩu, đồng thời xây dựng các trung tâm hỗ trợ thương mại khu vực theo mô hình “dịch vụ một cửa" cho doanh nghiệp nhỏ.
Tóm lại, để doanh nghiệp Việt Nam không đứng bên lề mà trở thành mắt xích chủ động trong chuỗi sản xuất APEC, thì vai trò “kiến tạo” của nhà nước cần chuyển từ hỗ trợ từng phần sang xây dựng thể chế liên kết hệ sinh thái và nâng cao năng lực nền tảng. Đó mới là cách tạo ra sự chuyển dịch bền vững, thay vì phụ thuộc vào dòng vốn FDI đơn thuần.
- Trân trọng cảm ơn bà!