Trao đổi với DĐDN ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa ông cho biết: Những năm trở lại đây, trong công tác phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa để bền vững chính quyền tỉnh liên tục cải cách thủ tục hành chính để hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.

Ông

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa

Liên tục cải thiện môi trường kinh doanh

Cụ thể, trong những năm qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, thực hiện nghiêm quy định “bốn tăng”, “hai giảm”, “ba không”. Đó là “bốn tăng”: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công khai minh bạch; tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân. “hai giảm”: giảm thời gian giải quyết TTHC; giảm chi phí thực hiện TTHC. “ba không”: Không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc; không trễ hẹn.

Đầu

Tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ

Đặc biệt, trong giải quyết thủ tục hành chính; tập trung rà soát, cắt giảm tối đa thời gian xử lý các thủ tục hành chính so với quy định của Trung ương; thực hiện đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý nhà nước, tạo bước đột phá về xử lý văn bản, hồ sơ công việc góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Hoạt động đối thoại, gặp gỡ và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh duy trì hằng tháng; việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện nghiêm túc; đồng thời, tỉnh đã ban hành quy định thống nhất về hoạt động thanh tra, kiểm tra, đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng được chú trọng; hằng năm, tỉnh đã tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân.

Phát triển doanh nghiệp bền vững

Những năm qua, tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa rộng rãi, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thu ngân sách của tỉnh.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, đã có 14.230 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký 99.900 tỷ đồng, gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,4 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011 - 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 17.300 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9.500 doanh nghiệp so với năm 2015, đạt 47,8 doanh nghiệp/vạn dân.

đ

Doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ ép phát triển vùng nguyên liệu địa phương

Giai đoạn 2016 - 2020, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 52,5% GRDP của tỉnh, tăng 16,1% so với giai đoạn 2011 - 2015; nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 39 nghìn tỷ đồng, chiếm 50,1% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh. Cùng với những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm xã hội; tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài với số tiền hàng trăm tỷ đồng, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đề ra mục tiêu thành lập mới 15.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc thì vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng và không thể thay thế. Do đó, để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới cần triển khai thực hiện đồng bộ bảy giải pháp. Trong đó, nổi bật rõ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp; tạo sự thống nhất xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, nhất là trong việc tiếp cận các thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư…

Đẩy mạnh công tác đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; nâng cao chất lượng của bộ phận tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Trung ương và tỉnh ban hành; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế, chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu… theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ thực hiện.

Quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế. Có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng, đa dạng thị trường, tìm kiếm các đối tác mới, ngành hàng mới; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh..

Phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, VCCI Thanh Hóa trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp; làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp; tập hợp các kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ.