Ông Phạm Thái Lai cho rằng để xây dựng Smart City tại Việt Nam cần thực hiện một kế hoạch tổng thể đa chiều và đa phương thức.

Ông Phạm Thái Lai - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens khu vực Đông Nam Á và Việt Nam 

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về tăng dân số và đô thị hóa nhanh trên khắp cả nước. Nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội và Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn với hệ thống cơ sở hạ tầng quá tải. 

Những điều kiện tiên quyết 

Trong bối cảnh đó, chia sẻ về những điều kiện tiên quyết để các thành phố này trở thành đô thị thông minh, ông Phạm Thái Lai cho rằng những điều kiện tiên quyết gồm: Cơ sở hạ tầng số hóa; Giao thông thông minh; Lưới điện thông minh và Tòa nhà thông minh.

Cụ thể, ông Lai đưa ra phân tích, đầu tiên về cơ sở hạ tầng số dựa trên nền tảng điện khí hóa và tự động hóa có thể thúc đẩy hiệu quả dịch vụ thông qua tối ưu hóa vận hành và trang thiết bị, thay đổi mô hình vận hành theo nhu cầu, duy trì và quản lý hệ thống từ xa.

Về giải pháp cho giao thông giúp tăng tiện ích của cơ sở hạ tầng, tối ưu hóa công suất hoạt động và tạo nên một chất lượng mới về trải nghiệm cho người sử dụng thông qua số hóa.

Ví dụ, Đường sắt số cung cấp cơ hội cho các thành phố và các nhà vận hành có thể điều khiển ngành đường sắt một cách tương tác và tự động, đồng thời cung cấp cho hành khách một cấp độ mới về tính kết nối bên cạnh sự thuận tiện và thoải mái khi di chuyển.

Đối với lưới điện thông minh đem lại sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu về điện, giúp giảm tổng lượng tiêu thụ điện do nhu cầu gia tăng bằng cách trực tiếp kiểm soát các thiết bị điện hoặc thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Cuối cùng, tòa nhà thông minh sẽ giúp các thành phố đạt được tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả môi trường đồng thời giảm lượng điện năng tiêu thụ.

Được biết, đối với 2 tiêu chí trọng tâm để xây dựng đô thị thông minh là cơ sở hạ tầng số hóa và giao thông thông minh thì thực tế ghi nhận hiện thành phố Hà Nội cũng đang có thí điểm và đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, từ tháng 3/2019, với sự hợp tác của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Cục Cảnh sát giao thông Hà Nội cùng Công ty Cổ phần Công nghệ Itelco và Tập đoàn FPT, Siemens đã triển khai công nghệ điều khiển giao thông tiên tiến cho nút giao thông Phạm Hùng - Mễ Trì, giúp giảm khoảng 70% tổng lượng điện tiêu thụ so với hệ thống đèn tín hiệu cũ.

Hệ thống đèn giao thông thông minh được thí điểm tại Hà Nội bước đầu được đánh giá tích cực trong việc điều tiết giao thông.

Hệ thống đèn giao thông thông minh được thí điểm tại Hà Nội bước đầu được đánh giá tích cực trong việc điều tiết giao thông

Phát huy vai trò doanh nghiệp tư nhân

Để xây dựng thành công các kế hoạch và mục tiêu về đô thị thông minh trong tình trạng ngân sách công eo hẹp và còn nhiều ưu tiên đầu tư khác ông Lai cho rằng Việt Nam cần sự tham gia tích cực hơn nữa của các doanh nghiệp tư nhân trong các sáng kiến và dự án về đô thị thông minh.

Về vai trò của nhà nước và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong sự phát triển của các đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Lai nhận định với tình hình thực tiễn của Việt Nam hiện nay cần phải có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan và các bên liên quan nhằm đảm bảo việc phát triển và thực hiện một kế hoạch tổng thể đa chiều và đa phương thức.

"Bên cạnh đó, để sẵn sàng cho việc xây dựng và vận hành đô thị thông minh được hình thành trên các nền tảng công nghệ tân tiến như IoT, Big data, A,… tại Việt Nam đòi hỏi phải có sự điều chỉnh các chính sách về quy hoạch đô thị, sự thành lập ra một đơn vị chức năng để điều phối các hoạt động liên ngành, tăng cường công tác đào tạo nhân lực để vận hành các thiết bị hiện đại và phân tích dữ liệu đầu ra cùng các xu hướng, cũng như tìm các phương thức mới để đảm bảo các nguồn tài chính cần thiết" - ông Lai cho biết.

Trước những băn khoăn của các bên liên quan về việc Việt Nam sẽ lựa chọn sử dụng công nghệ nào là thích hợp nhất trong từng trường hợp cụ thể, ông Lai nhận định trước hết chính quyền thành phố cần phải xác định rõ các thách thức và ưu tiên hàng đầu của mình, đồng thời phải hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để cùng xây dựng các giải pháp thỏa đáng cho các bên.

"Doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cũng cần tham khảo các nước trong khu vực và tìm kiếm sự tư vấn của các đơn vị tư vấn quốc tế để có thể tìm ra hướng đi và sản phẩm thông minh phù hợp với dự án của mình" - ông Lai khẳng định.