Đã có 30 địa phương ký biên bản hợp tác với các tập đoàn công nghệ để triển khai xây dựng Đề án đô thị thông minh “smart city” với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, thế nào là một smart city thì Việt Nam vẫn chưa có một bộ tiêu chí thống nhất?
Đô thị thông minh hay Smart City được xem là từ khóa “hot” nhất năm 2019 trong lĩnh vực phát triển đô thị
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc triển khai dự án xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng. Đây là bước đi tiếp theo hướng đến “smart city”, nhưng còn phải đi thêm những bước nào nữa để TP này thực sự là “smart city” thì còn chưa rõ.
Mạnh ai nấy chạy
Nằm trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) thì thành phố hay đô thị thông minh (Smart City) đang là mô hình được các địa phương trong cả nước tích cực hưởng ứng và mạnh tay rót tiền với kỳ vọng sẽ nhanh chóng tạo ra được một sự nhảy vọt về mọi mặt.
Cũng như “cách mạng 4.0”, cụm từ “Smart City hay đô thị thông minh” là một thuật ngữ có nội hàm rất rộng và không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới vẫn chưa thống nhất được một định nghĩa rõ ràng và bao quát.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ điển Bách khoa toàn thư mở tiếng anh (Wikipedia) định nghĩa smartcity là một khu đô thị dựa trên mạng kết nối vạn vật (Internet of Things-IOT) gồm rất nhiều thiết bị để dữ liệu thu thập và dùng chúng để quản lý, điều phối mọi thứ một cách hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 05/02/2020
11:19, 08/11/2019
16:26, 07/08/2019
13:55, 21/07/2019
13:00, 18/07/2019
11:01, 20/01/2019
Còn theo quan điểm của tác giả James Ellsmoor tại một bài viết trên trang Forbes thì thành phố thông minh là sự kết hợp giữa cơ sở hạ tầng và công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và tăng cường tương tác của họ với môi trường đô thị.
Khá đồng quan điểm, trang businessinsider định nghĩa Smart City là đô thị sử dụng các thiết bị Internet of Things (IoT) để thu thập và phân tích dữ liệu và sau đó sử dụng dữ liệu này để cải thiện cơ sở hạ tầng, các tiện ích và dịch vụ công cộng...
Những định nghĩa trên đều có phần kế thừa định nghĩa được Liên minh viễn thông thế giới (ITU) đưa ra từ năm 2016 cho rằng đô thị thông minh là đô thị đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị.
Như vậy, Smart City có thể coi là một bước tiến hóa được tạo ra bởi sự cộng hưởng của sự phổ biến rộng rãi các thiết bị thông minh được liên kết với nhau qua mạng kết nối vạn vật – IOT, trí tuệ nhân tạo… trên nền tảng là sự gia tăng nhanh chóng tốc độ truyền dữ liệu từ cáp quang đến mạng di động thế hệ thứ 5 (5G).
Tại Việt Nam, Smart City hay đô thị thông minh vẫn chưa có một khái niệm được chuẩn hóa, các đề án xây dựng đô thị thông minh của mỗi địa phương đều chủ yếu tập trung vào các yếu tố như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, số hóa các hạng mục công việc… và quan trọng hơn là “mạnh ai nấy chạy” chưa có một hành lang pháp lý thống nhất cũng như đặt ra lo ngại về một sự đồng bộ khi kết nối từng địa phương vào hệ thống chung của quốc gia.
Về phía đơn vị quản lý, chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng thừa nhận nhiều địa phương xây dựng kế hoạch phát triển đô thị thông minh nhưng chủ yếu là mang tính chất tự phát theo xu hướng chung của thời đại.
Những “đề bài” đặt ra
Phát triển đô thị thông minh hay Smart City có thể coi là xu thể tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhiều “đề bài” cho các nhà làm chính sách để có thể triển khai Smart City hiệu quả.
Vấn đề đặt ra đầu tiên, ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từng là lãnh đạo quản lý phát triển đô thị cho rằng, Việt Nam hiện chưa xây dựng được một hành lang pháp lý tối ưu để xây dựng, phát triển các đô thị thông minh. Sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài là rất cần thiết để tận dụng nguồn lực về tài chính và năng lực khoa học công nghệ tuy nhiên cần được điều chỉnh bằng một cơ chế phù hợp. Trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin cho các địa phương có thể còn nhiều kẽ hở với bài học nhãn tiền là vụ Nhật Cường vừa qua tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, sự thống nhất quốc gia trong chiến lược xây dựng đô thị thông minh là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự kết nối đồng bộ hệ thống của từng địa phương. Nếu các địa phương “mạnh ai nấy chạy”, mỗi tỉnh thành lại hợp tác với các đơn vị tư vấn khác nhau và áp dụng các hệ thống khác nhau thì sẽ rất khó đảm bảo tính hiệu quả chung.
Vấn đề thứ hai được đặt ra là lo ngại về việc hài hòa quyền cá nhân của người dân để có thể thu thập được đủ dữ liệu lớn (big data) thì cần một hệ thống giám sát khổng lồ ở khắp nơi. Một ví dụ điển hình là Trung Quốc, quốc gia đang rất tham vọng trong việc xây dựng đô thị thông minh đang có khoảng hơn 200 triệu camera giám sát mọi cử chỉ dù là nhỏ nhất của từng người dân.
Vấn đề thứ ba là sự đồng bộ giữa hạ tầng cứng với trọng tâm là quy hoạch và hạ tầng mềm khi xây dựng đô thị thông minh. Việc thống nhất và tuân thủ quy hoạch là rất cần thiết, chẳng hạn với một đô thị mà quy hoạch xây dựng dễ dàng bị điều chỉnh cục bộ theo lợi ích nhóm thì không có một hệ thống thông minh nào có thể điều tiết được giao thông đảm bảo thông suốt.
“Quan trọng hơn cả, để tạo dựng được thành phố thông minh cần phải đảm bảo xây dựng chính quyền đô thị nhất thể hoá, quản lý từ trên xuống dưới. Đồng thời, phải có quy hoạch đủ tốt, có chương trình hành động cụ thể và phải có một hệ thống cơ chế chính sách huy động đủ lượng vốn để thực hiện nó” – ông Chiến nhấn mạnh.