Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối tháng Hai

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam 

Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ và Triều Tiên đang gấp rút hoàn thiện kế hoạch cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. 

Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo, đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun sẽ gặp lại quan chức Triều Tiên trước khi diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai chính thức diễn ra tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam.

Tuy nhiên, trước thềm cuộc gặp, một loạt những thách thức được đặt ra khiến giới quan sát đặt câu hỏi, liệu Tổng thống Trump có thay đổi ý định vào phút chót. Một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc cho thấy Triều Tiên vẫn đang bí mật tăng cường các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Trong tập tài liệu dài 317 trang được phân phát cho các thành viên của Ủy ban trừng phạt thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào cuối tuần trước cho biết các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng gần như “không hiệu quả”.

Theo đó, Triều Tiên tiếp tục có được các lô hàng dầu mỏ bất hợp pháp, bán than đá ra nước ngoài và vi phạm lệnh cấm vận vũ khí. Đồng thời bắt đầu sử dụng các cơ sở dân sự, bao gồm cả sân bay làm nơi thử nghiệm và lắp ráp tên lửa.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc là cảnh báo thứ tư trong những tuần gần đây về việc Triều Tiên vẫn đang tiến hành việc thử nghiệm tên lửa và một số chương trình hạt nhân.

Một bản đánh giá phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc được công bố hồi giữa tháng Một đã mô tả các chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn đang diễn ra và cảnh báo Mỹ và các đồng minh phải cảnh giác.

Không lâu sau, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - một cơ quan cố vấn của Washington cũng đã công bố một báo cáo tiết lộ một căn cứ tên lửa bí mật của Triều Tiên nằm ở phía tây bắc Seoul, đây là một trong 20 địa điểm chưa được khai báo vẫn đang hoạt động.

Có thể thấy, tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore năm ngoái, Mỹ và Triều Tiên đã nhất trí “phi hạt nhân hóa hoàn bình bán đảo Triều Tiên”. Nhưng chưa có tuyên bố cụ thể nào được phát đi.

Điều này đã dẫn tới nhiều ngờ vực khi các chuyên gia cho rằng Triều Tiên không thực sự trung thực và Mỹ chưa thực sự mong muốn cuộc gặp của ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên có một kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, cùng với việc Triều Tiên thể hiện sự thiện chí trong việc phối hợp với Mỹ giải trừ những điểm hạt nhân, cuộc gặp lần hai mang tính thời điểm quan trọng và là điều cần thiết cho sự nghiệp Tổng thống của ông Trump.

Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun đến sân bay Incheon, Hàn Quốc,

Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun đã đến Hàn Quốc gặp các quan chức Triều Tiên để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai 

Việc phớt lờ những báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy Tổng thống Trump muốn xoa dịu bầu không khí căng thẳng trong nước sau một thời gian dài đóng cửa một phần Chính phủ. Quan hệ Triều - Mỹ là một vấn đề quan trọng được đề cập liên tục tại Quốc hội Mỹ trong thời gian gần đây. 

Sự tập trung vào những thành công lớn nhất về mặt ngoại giao phần nào phản ánh mong muốn của ông trong việc giành lại niềm tin của công chúng và tiếp thêm sức mạnh cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020. 

Hiện nay, cách tiếp cận của Trump với Triều Tiên dường như đang dịu đi thay vì cứng rắn như thời gian trước. Ông đã dành nhiều lời khen dành cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên Twitter của mình và khẳng định Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim sẽ trở thành một cường quốc kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai sẽ được tổ chức trong hai ngày. Chương trình dài hơn cho thấy sẽ có nhiều hoạt động hơn và Tổng thống Mỹ sẽ có nhiều thời gian hơn để đàm phán và thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Các nhà phân tích đã suy đoán rằng, hội nghị lần này có thể ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, vốn về mặt kỹ thuật vẫn chưa kết thúc vì giao tranh tạm ngừng năm 1953 theo quy định của một thỏa thuận đình chiến.

Điều này cũng được Đặc phái viên Mỹ, Biegun đưa ra trong bài phát biểu tại Đại học Stanford vào ngày 30 tháng 1: "Tôi hoàn toàn bị thuyết phục, và quan trọng hơn là Tổng thống Mỹ cũng bị thuyết phục. Đã đến lúc phải vượt qua 70 năm chiến tranh và sự thù địch trong bán đảo Triều Tiên. Không có lý do gì để cuộc xung đột này kéo dài thêm nữa".