Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: SBV)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: SBV)

 >>> NHNN: Có biện pháp đảm bảo hoạt động chung của ngân hàng và SCB

Cụ thể, trước các dư luận gần đây liên quan đến hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Thống đốc NHNN đã chia sẻ thông điệp: "Vừa qua, có một số thông tin lan truyền ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng SCB. Trước tình hình đó, NHNN đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngân hàng SCB hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản". 

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ thông điệp đến người dân, những người gửi tiền tiết kiệm tại SCB là: Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB thì đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Tôi cho rằng những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là rút trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong tình hình nền kinh tế thế giới biến động trong khi Việt Nam vẫn đang cho thấy sự bền bỉ của mình, với vai trò ngân hàng Trung ương cũng như là vai trò của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, khi mà xây dựng, hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, NHNN luôn đặt mục tiêu là kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong đó có ngân hàng SCB.

Trước đó, cũng liên quan đến thông tin dư luận xung quanh ngân hàng SCB, đại diện NHNN và SCB đã có buổi họp báo thông tin hoạt động SCB vẫn bình thường, thanh khoản ổn định, chi trả đầy đủ cho người dân. Lãnh đạo SCB cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan việc phát hành mua bán trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông. 

"Về vụ việc này, SCB đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, việc này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB. SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật”.

Liên quan đến hiện tượng có nhiều người dân đến rút tiền tại các chi nhánh, phòng giao dịch SCB trong ngày cuối tuần, sáng ngày 8/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã chính thức phát thông cáo báo chí. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: “NHNN và các bộ ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các TCTD. Thời gian tới NHNN đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung cũng như của Ngân hàng SCB; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng".

Bên cạnh đó, trước hiện tượng có một số ngân hàng đã lên thông tin rà soát khách hàng hiện hữu và khác để tiếp thị gửi tiền, lôi kéo khách hàng của SCB, NHNN đã ra công văn chỉ đạo, tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm.

Ghi nhận sau công văn chấn chỉnh của NHNN, Lãnh đạo các NHTM cũng đã yêu cầu, quán triệt nhân viên không lôi kéo, chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm của SCB hoặc có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. 

Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật bảo hiểm tiền gửi và các luật khác, đều quy định mức độ ưu tiên, bảo đảm an toàn, khả năng chi trả và quyền lợi của người dân ở mức độ cao nhất. Theo đó, Điều 146 Luật các tổ chức tín dụng quy định như sau: Khi ngân hàng đang thực hiện phương án cơ cấu lại mà có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống thì sẽ được Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các ngân hàng thương mại cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản. Khoản vay đặc biệt này được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của các ngân hàng (trong bối cảnh bình thường thì khoản nợ có tài sản bảo đảm được ưu tiên cao nhất). Như vậy, các ngân hàng thương mại có cơ sở yên tâm cho vay để hỗ trợ. Điều 99 Luật phá sản quy định chỉ khi nào Ngân hàng Nhà nước không thể cứu được ngân hàng nữa thì mới được phép yêu cầu tuyên bố phá sản ngân hàng. Và kể cả ngân hàng phá sản, Điều 101 của Luật này cũng quy định khoản tiền gửi cũng được ưu tiên trả nợ trước các khoản nợ Nhà nước và nợ của các chủ nợ thông thường khác...