Đôi nét tâm tính người Việt 

Nói đến sự sẻ chia, đoàn kết, yêu thương, có lẽ đây là một trong những truyền thống không cần phải bàn cãi từ xa xưa đến nay, và đã là đặc trưng trong tâm tính người Việt. Cũng không cần nhắc lại những chính sách giang rộng vòng tay mọi công dân, những người con xa xứ về Việt Nam tránh dịch, hay nhắc máy ATM gạo, ATM thực phẩm, những điểm tiếp tế lương thực từ gói mì đến quả trứng với thông điệp đã thành phổ biến khiến người ta cũng quên luôn ai là tác giả “Nếu bạn thiếu hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người kế tiếp”… Điều đó thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự sẻ chia, yêu thương, cộng đồng, cộng sinh...của người Việt với nhau trong mùa dịch.

Những bữa cơm yêu thương đang lan tỏa hơi ấm từng căn bếp thiện nguyện tập thể đến những người yếu thế, mất kế sinh nhai vì dịch trong xã hội. Đó là sức mạnh của đoàn kết, tập thể, nhân văn, trọng tình của tính cộng đồng làng xã

Những bữa cơm yêu thương đang lan tỏa hơi ấm từng căn bếp thiện nguyện tập thể đến những người yếu thế, mất kế sinh nhai vì dịch trong xã hội (ảnh: Phú Long JSC)

Song đúng như GS. TSKH, nhà văn hóa học Trần Ngọc Thêm từng công bố nghiên cứu, trong văn hóa Việt trọng âm (tính âm), xuất phát từ văn minh cộng đồng làng xã và lối sống nông nghiệp, bên cạnh các giá trị tạo nên bản sắc văn hóa người Việt là tính cộng đồng, tinh thần tập thể, luôn đoàn kết với nhau để vượt qua những hoàn cảnh thách thức khó khăn bậc nhất (như chiến tranh, dịch giã…), còn giá trị khác, mặt khác của tính âm (đã biến động trong giai đoạn hiện đại nhưng cũng có gốc xuất phát từ cộng đồng làng xã) là cả những thói hư, tật xấu đi kèm như thói dựa dẫm, ỷ lại; thói cào bằng, đố kỵ; bệnh hẹp hòi, ích kỷ, phong trào, ích kỷ, chậm chạp lề mề, chuộng khéo, hay biến tướng của trung dung, cân bằng (đi từ hài hòa tích cực đến dĩ hòa vi quý, nhập nhằng thiếu rõ ràng…)...

Dịch COVID-19 hơn lúc nào hết là một trong những thách thức mà “phép thử” tình đoàn kết, yêu thương của người Việt với nhau đã khẳng định sức mạnh. Từ cộng đồng tới Nhà nước và các quyết sách đều đã xác lập rằng tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, lòng tự hào dân tộc đã đưa chúng ta sát cánh bên nhau trong mọi chiến tuyến chống dịch COVID-19 cũng như đánh trận chống xâm lược, và đang đưa chúng ta đến gần chiến thắng.

Cũng trong đại dịch, chúng ta cũng thấy hơn lúc nào hết những nét chưa được của văn hóa trọng âm còn đậm dấu ấn, còn chi phối tâm tình lẫn quyết sách người Việt, còn trì níu làm chậm sự sẻ chia, ứng cứu, giảm sự hiệu quả vốn cần xốc vác hơn, tiên phong hơn, đi ngược thụ động hơn, và “chống chỉ định” cào bằng… Hay nói cách khác, còn nhiều điểm, lĩnh vực cần sự tương trợ của tính “trọng dương” để khắc phục những gì chưa được, phát huy hơn nữa hiệu quả.

Chúng ta đã có một số gói hỗ trợ mà Chính phủ và các Bộ, ngành đã quyết để ứng cứu các thành phần nền kinh tế và người dân trong mùa dịch.

Gói giảm giá điện: "Nhỏ giọt" quá mức

Trước hết là gói giảm giá điện của EVN và Bộ Công Thương. Gói này “nhỏ xinh” nhưng gây chú ý lớn vì 100% cá nhân, người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam đều có liên quan vì đều là người tiêu dùng, là “thượng đế” – tuy không bàn tới có được ứng xử như “thượng đế” hay chưa, nhưng nay là đối tượng được chuyển sang hỗ trợ.

Gói này có mức độ giảm theo tính “tiết kiệm”, nếu không muốn còn có phần “ích kỷ”, phong trào, xét trên tổng số tiền giảm gần 11.000 tỷ đồng và so với tổng doanh thu gần 400.000 tỷ đồng bán điện mà EVN thu về ở năm qua. Mức hỗ trợ chỉ chiếm khoảng 2,79% tổng doanh thu cả năm mà EVN thu về, chưa bàn tới sự hao hụt hay tăng trưởng ở năm nay.

Gói này cũng có tính “cào bằng” nhất định dù nghe đâu cơ quan chức năng và Tập đoàn EVN đã nát nước bàn để phân tỷ lệ giảm theo bậc tiêu thụ. Theo đó, các hộ gia đình nghèo đông người ở các khu vực nắng nóng, hãy cứ chen chúc trong vài mét vuông lụp xụp những tháng chống COVID-19, để được nhận giảm khoảng 8.390 đồng/ 50 kWh điện sinh hoạt sử dụng cho hóa đơn thấp nhất từ 83.900 đồng xuống còn 75.510 đồng. Hộ khá hơn tý hãy cứ chờ giảm 17.060 đồng cho 100 kWh/tháng cho hóa đơn phải trả 170.600 đồng. Mức hỗ trợ giảm này ta cũng có thể tự “cào bằng” tương đương giải quyết được một bữa ăn sáng/ người theo mức giá cả tối thiểu là ổ bánh mì hoặc gói xôi bình dân vẫn "yết giá" chốn thị thành.  

Tương tự như vậy là mức giảm cũng mang tên “cào bằng" đến "nhỏ giọt” 10%/ đơn giá hiện hành cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh.

Vẫn biết EVN là doanh nghiệp chủ lực của Nhà nước, bên cạnh nhiệm vụ cung cấp ổn định năng lượng điện quốc gia, còn là một đơn vị đóng thuế lớn (27.000 tỷ đồng năm 2019); EVN cũng đã cải thiện tình trạng thua lỗ do đầu tư ngoài ngành kéo dài gần chục năm trước đây; song trong tình cảnh dịch bệnh khó khăn, nhà nhà cạn “năng lượng” như hiện nay mà EVN trên thế độc quyền vẫn chỉ đồng hành hết sức hạn chế với mọi đối tượng tiêu thụ, thì rõ ràng đâu đó đường truyền tải sẻ chia của Tập đoàn này đến mọi người dân còn có vấn đề. Hoặc chúng ta cần phải tạo tặc lưỡi và phát huy ưu điểm khác trong thuộc tính dân tộc Việt là “bao dung” – Thôi thì có hỗ trợ, đã quý!

Gói 61.580 tỷ đồng và chuyện “Tết Công gô”

Thêm một gói hỗ trợ khác từ túi tiền tạm gọi chung là tiền của quốc gia, bởi từ thuế dân mà ra, và được trích lại từ nhiều khoản chi tiêu cho vận hành Chính phủ bao gồm cả từ tiết kiệm chi tiêu… là gói 61.580 tỷ đồng. Nên gọi chính xác con số này bởi lưu ý chỉ chênh nhau 420 tỷ đồng theo con số “tròn gói” 62 nghìn tỷ đồng, thì chắc chắn số lượng người trong mục tiêu ứng cứu hỗ trợ sẽ vượt lên trên 20 triệu người.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh đáng nói là gói “ứng cứu” có thời gian và ý nghĩa hỗ trợ dài hạn 3 tháng, lại đang triển khai khá nhùng nhằng chậm trễ.

Một vị Bộ trưởng nói như đinh đóng cột tiền sẽ được giải ngân trong tháng 4 tới người lao động. Hệ thống dữ liệu quốc gia đang tập hợp, rà soát vận hành ra sao trong những ngày kế tiếp và song song là tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận một phần gói này với thủ tục ra sao – hy vọng kết thúc tuần thứ 3 cách ly xã hội, thì nhiều tỉnh thành địa phương giãn cách theo nhóm, dân hay doanh nghiệp cũng không phải trông ngóng hoặc bảo nhau “nhận được tiền mua gạo chưa, hay lên…ti vi mà nhận”, hoặc tự động viên “cứ chờ tới…Tết Congo”.

Có đâu đó sự chậm trễ vì tính ưa nhìn nhau, tính thụ động, vì sợ trách nhiệm, lo thất thoát, vì “khéo” quá nên mải đề cập đến giá trị động viên mà hòa hoãn, mà tính toán hợp lòng cho sự ổn định  nhưng lại thiếu sự ráo riết sát sao, thiếu tính tiên phong, mạnh dạn, dám làm dám chịu… của những ai trực tiếp liên quan trong việc triển khai rà soát cung cấp dữ liệu các đối tượng cần được ứng cứu, trong việc tham mưu, đề xuất các phương án triển khai khả thi lên Lãnh đạo cấp cao, để tiền sớm được giải ngân ứng cứu nơi cần đến.

May sao là còn có những cây ATM, những điểm sẻ chia có tên, không tên của cộng đồng, các cá nhân và tổ chức tự phát trong dân mà sự ấm ấp, tử tế tiếp tục giữ cho bếp ăn nhiều nhà còn nổi lửa.

Gói tín dụng 300.000 tỷ đồng như "tiền treo cột mỡ"

Gói này là sự hợp sức của nhiều tổ chức tín dụng, từ sự đồng lòng, phát huy ưu điểm của thuộc tính đoàn kết tập thể xứng đáng được đánh giá cao.

Nhưng bên cạnh sự tự nguyện đâu đó còn có tính chưa rõ ràng, còn chung chung. Nói như ông Bùi Quốc Châu khi bàn về đặc tính người Việt trên Tạp chí Xưa và Nay (từ rất xưa cả chục năm trước), "chung chung" cũng là một trong mấy chục đặc tính ưu, khuyết của chúng ta.

Tự hào về người Việt phát sinh ra

Tự hào về người Việt phát sinh ra "ATM gạo" để sẻ chia trong mùa dịch, về người Việt đoàn kết và kỷ luật biết chờ nhau, nhường nhau nhận gạo. Nhưng sẽ càng tự hào nếu những gói hỗ trợ giảm tính chung chung, tính cào bằng, và gấp rút "cải cách thủ tục" để thật nhanh đến nơi cần đến.

Nói gói này chưa rõ ràng, còn chung chung là bởi trong sự tự nguyện đăng ký, trong tổng con số lớn 300.000 tỷ đồng (mà nay theo thống kê đăng ký đã lên tới gấp đôi), thì lại không nói rõ bao nhiêu là con số tính trên quy mô dư nợ sẽ được giảm lãi, hỗ trợ lãi vay mới, được khoanh nợ, giãn nợ; bao nhiêu là tín dụng mới. Nên khi thống kê, cứ theo số các tổ chức tín dụng đăng ký mà “cộng” ra gói. Còn khi doanh nghiệp, người dân tiếp cận để chờ ưu đãi, thì mỗi nơi một phách. Nơi sẽ nói là trước đây tôi cho anh vay lãi 14%, nay giảm 4% còn 10% - vậy là ưu đãi nhé. Nơi khác khẳng định chúng tôi chỉ đăng ký cho vay mới lãi suất mới, khoản cũ theo quy định cũ, chưa đủ điều kiện để xem xét hỗ trợ thêm...

Dĩ nhiên tín dụng thì không có cào bằng và không thể cào bằng vì mỗi chủ thể đi vay có năng lực khác nhau, phương án kinh doanh khác nhau, tài chính khác nhau, tín nhiệm khác nhau. Cũng như mỗi pháp nhân cho vay có năng lực khác nhau, danh mục ưu tiên khách hàng khác nhau, tiền huy động vào hay lãi cho vay ra khác nhau…Không cào bằng không có nghĩa cũng bỏ sự rõ ràng trong gói. Càng rõ ràng thì việc hỗ trợ càng nhìn thấy được, càng dễ tránh được sự nhập nhằng, bên đổ lỗi cho việc đối tác chưa đảm bảo lọt tiêu chí duyệt vay, bên than tiếp vốn hỗ trợ ngân hàng khó như “trèo cột mỡ”. Cứ thế mà luẩn quẩn!

Vĩ thanh

Nói đi, cũng phải nói lại, trong bất kỳ chính sách nào cũng có những điều “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Không có việc gì đảm bảo hoàn toàn tuyệt đối cũng như không có khó hơn dùng tiền của nhân dân để phục vụ nhân dân (số đông), để “làm dâu trăm họ” mà không điều tiếng hoặc có những khó khăn nhất định, nhất là đặt trong một thể chế nhất định.

Nhưng nếu những ai có trách nhiệm cũng cảm thấy sốt ruột trước khá nhiều điều ngổn ngang, chưa phù hợp, trong quyền của mình và trong khả năng quyết sách, mà chọn mạnh tay thúc đẩy, triển khai, linh hoạt…(tức tăng các đặc tính, tâm tính con người tưởng chỉ thuộc về tính dương của các cư dân văn minh du mục, các nền văn hóa Tây phương, hay ta gọi nôm na là “công nghiệp tính”, mà thực tế đã được người Việt tiếp biến, dung hợp, phát huy phần nào trong kỷ nguyên công nghiệp hóa) để tăng hiệu suất đưa các chương trình, gói hỗ trợ vào thực tiễn nhanh nhất có thể, hiệu quả nhất có thể, thì hẳn giá trị của các gói này sẽ còn lan tỏa giá trị lớn lao hơn.

Sự cần đi trước, tiên phong, dám nghĩ dám làm này sẽ kéo gần khoản "giãn cách" về thời gian từ quyết sách chủ trương đến thực hiện của các chương trình, gói hỗ trợ dự kiến. Như gói giảm phí và lệ phí 46.000 tỷ đồng, tương tự các gói/ chương trình hỗ trợ dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, trong khi Thủ tướng Chính phủ đang vô cùng sốt ruột, yêu cầu thúc đẩy ngày đêm, thì nay vẫn "chậm chạp lề mề" đang trên bàn dự thảo. Hay như với nước, khoản tiêu thụ thiết yếu khác của toàn dân mà giá cả thuộc các địa phương ra quyết sách, thì vẫn chưa ai tiên phong nghĩ đến cần giảm bớt con số trên hóa đơn tháng của doanh nghiệp, người dân. Trong khi nếu góp giảm một vài thang giá nước, cộng đồng cộng sinh sẽ góp cả một đại dương nguồn lực hỗ trợ để chia bớt áp lực cho Chính phủ. Và qua mỗi sẻ chia, cộng hưởng, mỗi tiên phong dám nghĩ dám làm, thì nội lực của xã hội cũng sẽ được củng cố mạnh mẽ, sâu bền hơn, để bật dậy mạnh hơn sau đại dịch.

Cuối cùng, cũng xin mạn bàn thêm là trong bất kỳ bối cảnh nào, câu chuyện nào, hiện tượng nào, luôn có 2 mặt. Cũng như sự thay đổi về bối cảnh xã hội bên trong và bên ngoài, sự xung đột về hệ giá trị giữa văn hóa nông nghiệp – nông thôn truyền thống với văn hóa công nghiệp – đô thị hiện đại, cùng với đó là năng lực tổ chức, quản lý xã hội không ngừng đổi mới, nâng cao (hoặc ngược lại trì trệ) và thường phát lộ rõ ràng trong những khoảng giai đoạn đặc biệt, nhất định, ví dụ như giai đoạn dịch bệnh này. Mọi xung đột hy vọng để đổi mới và hướng về tích cực. Chúng ta nói về những mặt chưa được để hướng về cái được hơn, về sự khởi sắc và hy vọng ngày càng thay đổi theo chiều hôm nay tốt hơn ở hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay. Chúng ta tin, như tin vào tính lạc quan tuyệt vời trong trọng âm của người Việt, của mỗi người chúng ta, vào nghị lực, sự can trường chịu đựng và luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn; cũng như tin ở thời điểm quan trọng, sự “khéo” quá không thật cần sẽ phải nhường chỗ cho sự phát triển, thắng thế của quyết liệt, của những cái tôi bản lĩnh – đi đầu!