Wirecard Việt Nam được coi là nhà cung cấp hệ thống các điểm bán hàng (POS – Point Of Sale) lớn nhất tại Việt Nam, đang cung cấp các giải pháp toàn diện từ phần mềm back-end đến phần cứng front-end (thiết bị đầu cuối thanh toán) cho khoảng 40 khách hàng là các ngân hàng và dịch vụ thanh toán.

 Công ty mẹ Wirecard Sales International Holding đang trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản. Ảnh: Wikimedia

Công ty mẹ Wirecard Sales International Holding đang trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản. Ảnh: Wikimedia

“Công ty mẹ” đổ vỡ

Wirecard Việt Nam là công ty con của Wirecard Sales International Holding - nhà cung cấp dịch vụ tài chính và xử lý thanh toán của Đức, từng là công ty fintech có vốn hóa lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, công ty này đã đệ đơn xin phá sản tháng 6/2020 chỉ vài ngày sau khi tin tức về 1,9 tỷ euro tiền mặt đã đột ngột "bốc hơi" khỏi bảng cân đối kế toán.

Sau khi bị cáo buộc gian lận, Wirecard đã rơi vào tình trạng phá sản, công ty buộc phải bán các hoạt động kinh doanh của mình ở châu Á. Theo quy trình đấu thầu quốc tế, Wirecard Singapore, công ty con của Wirecard Sales International Holding đã thoái vốn cổ phần tại Wirecard Việt Nam, để cho công ty thẻ tín dụng Hàn Quốc BC Card thẩm quyền kiểm soát sáp nhập.

Việc chuyển nhượng cổ phần có thể sẽ hoàn tất vào quý 3 năm nay sau khi công ty Hàn Quốc thanh toán tiền mua lại.

“Bất chấp những hoàn cảnh thách thức của quy trình bán hàng quốc tế giữa đại dịch COVID-19, chúng tôi đã thành công trong việc duy trì một công ty con khác của Wirecard ở châu Á khi vẫn quan tâm và đảm bảo việc bán cổ phần vì lợi ích tốt nhất của các chủ nợ”, quản trị viên vỡ nợ, Dr. Michael Jaffé cho biết.

Wirecard Việt Nam có gì?

Wirecard bắt đầu vào Việt Nam từ năm 1999, trụ sở chính hiện đóng tại Thaiholdings Tower, số 210 Trần Quang Khải và 17 Tông Đản, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Theo số liệu báo cáo từ công ty, doanh thu của Wirecard Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2019 với 137,3 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm trước. Đồng thời, công ty cũng báo lãi sau thuế lên tới 12,4 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 9% - cao hơn mức 7% của năm 2018.

Trong khi đó, BC Card là công ty xử lý thanh toán số 1 của Hàn Quốc, họ hiện có các đơn vị phát triển phần mềm, có thể cung cấp các hệ thống thanh toán phù hợp cho khách hàng, đóng vai trò như một yếu tố khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh địa phương. Tại Việt Nam, BC Card cũng đã hợp tác với nhiều tổ chức thanh toán như Napas, LienVietPostBank, Sacombank.

Thời điểm trước khi Wirecard Sales International Holding rơi vào tình trạng phá sản, Wirecard Việt Nam không chỉ tham gia vào lĩnh vực kinh doanh phân phối mà còn sở hữu khả năng phát triển phần mềm đặc biệt. Công ty đạt được mức độ hài lòng của khách hàng cao hơn so với các nhà phân phối POS khác đang hoạt động tại Việt Nam khi phát triển và cung cấp các giải pháp POS tùy chỉnh, phục vụ nhu cầu riêng của khách hàng.

Chính vì vậy, thông qua thương vụ M&A này, BCcard muốn có kế hoạch nâng cao tính cạnh tranh trong các dịch vụ của Wirecard Việt Nam, cung cấp các thiết bị đầu cuối tích hợp có thể đáp ứng các phương thức thanh toán khác nhau và giảm chi phí thông qua việc nâng cấp từ xa các thiết bị đầu cuối.

Ngoài ra, bằng việc tận dụng những bí quyết và công nghệ đặc biệt, BCcard có kế hoạch từng bước nâng cao dịch vụ nhằm cung cấp các dịch vụ thanh toán đa dạng và tiện lợi cho các đối tác (ngân hàng và nhà khai thác thanh toán điện tử) và khách hàng tại Việt Nam.

Chủ tịch BCcard Choi Won-Seok cho biết “Để thâm nhập trực tiếp vào thị trường Việt Nam và đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, chúng tôi đã quyết định mua lại 100% cổ phần của Wirecard Việt Nam”.

Grant Thornton Việt Nam, đơn vị cố vấn cho thương vụ mua lại này cũng cho rằng, với việc hoàn thành giao dịch này, Wirecard Việt Nam sẽ có khả năng cung cấp thêm các dịch vụ cao cấp cho khách hàng của mình thông qua việc tận dụng được lợi thế công nghệ và kỹ thuật của BC Card.