Mỹ muốn tìm kiếm đồng minh khi đề nghị gặp gỡ V. Putin

Mỹ muốn tìm kiếm đồng minh khi đề nghị gặp gỡ V. Putin

Joe Biden và Vladimir Putin có thể gặp nhau vào tháng sáu này tại một địa điểm thuộc quốc gia trung lập nào đó chưa xác định. Nếu cuộc gặp này diễn ra, bất kể kết quả của nó ra sao thì Trung Quốc vẫn bị dồn vào thế bí.

Nga - Mỹ sẽ bàn bạc gì với nhau? Liệu Nhà trắng có dĩ hòa vi quý để tìm kiếm thêm sự ủng hộ rất trọng lượng của Nga trong cuộc đấu với Bắc Kinh? Đó là những vấn đề mà Trung Quốc cảm thấy lo lắng.

Kể từ khi tiếp quản Nhà trắng, ông J. Biden đã hai lần điện đàm với người đồng cấp phía Nga, điều tương tự chưa một lần xảy ra với ông Tập Cận Bình. Thậm chí ông Tập phải phút chót đồng ý tham gia hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì.

Vì sao J. Biden đề xuất gặp V. Putin mà không phải là Chủ tịch Trung Quốc? Tại hội đàm Alaska đã chứng kiến sự sụp đổ không thể cứu vãn của mối quan hệ Mỹ - Trung. Đây có thể là dấu chấm hết của mọi nỗ lực trở lại thời kỳ vàng son.

Từ đây, Washington nhận thấy rằng “cục xương” mang tên Trung Quốc ngày càng khó nuốt, vậy nên người Mỹ đã chuyển hướng về phía Nga, hy vọng tìm kiếm thêm sự ủng hộ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thống J. Biden muốn kết thúc cuộc chiến Afghanistan trước tháng 9 năm nay để chấm dứt một trong những cuộc chiến dài nhất, tốn kém nhất của Mỹ ở ngoài biên giới. Động thái này được xem là chuyển hướng chiến lược để tập trung cho mặt trận châu Á.

Mối quan hệ Nga - Trung thì sao? Gần đây, hai nước có dấu hiệu xích lại gần nhau hơn vì nguyên tắc chung “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Moscow và Bắc Kinh đã thiết lập liên minh tài chính, thách thức vị thế của đồng USD và giành giật thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên, Nga - Trung chưa thể tin tưởng nhau hoàn toàn để có thể trở thành bạn tốt, điều này thậm chí không bao giờ xảy ra vì khác biệt về mục tiêu, tầm nhìn chiến lược.

Trung Quốc có cơ sở để lo lắng

Trung Quốc có cơ sở để lo lắng

Cục diện hiện nay đang ở thế “kiềng ba chân” Mỹ - Trung - Nga, quyết định hầu hết các vấn đề toàn cầu. Bất kể mối liên minh song phương nào được thiết lập cũng là mối đe dọa với bên còn lại. Nhưng viễn cảnh này rất khó xảy ra.

Dù Biden và Putin gặp nhau cũng chẳng hy vọng nhiều về kết quả viên mãn. Bởi mâu thuẫn hai bên đã chồng chất nhiều lớp. Phương Tây không bao giờ bỏ quên vấn đề Crimea cũng như Kremlin không bao giờ nao núng trước đòn cấm vận.

Bên cạnh lệnh cấm vận còn nguyên hiệu lực, hôm 15/4 - chỉ hai ngày sau cuộc điện đàm giữa Biden và Putin, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty Nga và trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga.

Tương tự như Trung Quốc, nước này muốn thống nhất Đài Loan bất kể phải động binh, và cũng như trường hợp Crimea - người Mỹ tiếp tục xem đây là hành động “phi pháp”.

Đây không phải thời kỳ thích hợp để các mối liên minh lớn có thể hình thành. Như vậy, các cường quốc sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm cục bộ, dân tộc, thậm chí cắt bỏ quan hệ ngoại giao để theo đuổi chính sách đơn phương hóa.