Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể giảm tiếp, nên bắt đáy lúc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể giảm tiếp, nên bắt đáy lúc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo góc nhìn từ lịch sử và những diễn biến thực tế, có thể thấy một số tác động tới thị trường như sau:

Thứ nhất, nhà đầu tư (NĐT) đã lao vào bắt đáy mạnh trong phiên 12/7. Tuy nhiên khi thanh khoản giảm mạnh như vậy, nhịp bắt đáy này khó thành công. Bởi vì, những NĐT bắt đáy đều tìm cách chốt lời.

Thứ hai, đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở TP. HCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam. Nhìn từ Bắc Giang và Bắc Ninh có thể thấy TP.HCM cần thời gian không hề nhỏ để dập dịch. Khi khu vực kinh tế lớn nhất cả nước bị đình trệ, thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam chịu tác động lớn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng và thật khó nói rằng hệ số P/E giảm vừa qua là còn rẻ hay đắt.

Thứ ba, 16 ngân hàng đã đồng thuận hạ lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam đang chịu tác động mạnh từ đại dịch, cũng sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng ở khu vực này. Điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng cuối năm nay. Theo đó, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ không còn là đầu tàu dẫn dắt thị trường.

Với mức đỉnh 1.424 điểm vào ngày 02/07 thì mức giảm hiện nay của VN-Index chỉ tương đương 8,9%, chưa đủ hấp dẫn. Lịch sử giao dịch cho thấy, nhịp giảm lần 1 thường khiến VN-Index mất khoảng 15-20%, có nghĩa vùng hấp dẫn sẽ rơi về 1.200 điểm. Có thể tại vùng giá này, nhịp bắt đáy sẽ tăng cao hơn. Như vậy từ mức giá 1,264 điểm ngày 14/7 đến vùng giá đó chắc chắn sẽ có không ít cổ phiếu giảm mạnh. Những cổ phiếu đầu cơ sẽ là những cổ phiếu chịu trận lớn nhất. Ngược lại, những cổ phiếu ít thanh khoản, không margin có thể sẽ ít bị tác động hơn.

Tuy nhiên dưới góc nhìn vĩ mô, mức 1.200 điểm có thể chưa hẳn đã an toàn trong dài hạn.