Liên tục trong thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng, các cơ quan quản lý đã vào cuộc trước thực trạng sách giả, sách lậu, nhiều cuộc truy quét được thực hiện, liên tiếp các kho sách giả, sách lậu bị phanh phui, tuy nhiên, vẫn chưa có vụ việc nào được xem xét, xử lý thích đáng khiến dư luận bàng hoàng, quan ngại. Trước thực trạng trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đậu Quyên – Hãng luật LPVN Law Firm về hành lang pháp lý, để tìm lời giải.

Lực lượng Quản lý thị trường liên tục phát hiện, bắt giữ lượng lớn sách giả, sách lậu trong thời gian vừa qua

Lực lượng Quản lý thị trường liên tục phát hiện, bắt giữ lượng lớn sách giả, sách lậu trong thời gian vừa qua

- Thưa Luật sư, Luật sư có thể cho biết công tác quản lý hoạt động xuất bản sách hiện nay được quy định như thế nào?

Hoạt động xuất bản luôn là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như những người làm trong công tác xuất bản phẩm. Công tác quản lý hoạt động này hiện nay đã được quản lý tương đối đầy đủ.

Cụ thể, Luật xuất bản năm 2012 ra đời đánh dấu nhiều điểm nhấn trong công tác xuất bản phẩm tại Việt Nam, sau đó, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản, đồng thời, tạo hành lang pháp lý xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Và trước diễn biến phức tạp của vẫn nạn sách giả, sách lâu trên thị trường, mới đây, Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành thông tư số 01/2020/TT-BTTTT, ngày 07/02/2020, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản và Nghị định số 159/2013/NĐ-CP. Các vấn đề về tổ chức, hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử được làm rõ trong văn bản này.

cdfg

Luật sư Đậu Quyên – Hãng luật LPVN Law Firm

Luật sư đánh giá như thế nào về mức xử phạt được quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013, liệu có đủ sức răn đe?

Theo tôi, mức xử phạt như vậy là rất nhẹ bởi lợi nhuận thu được từ sách giả, sách lậu rất cao và hành vi đó lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của tác giả, của chủ sở hữu và các đơn vị phát hành.

Đó cũng là một trong những lý do mà trên thực tế hiện nay, hoạt động in lậu và buôn bán sách lậu ở Việt Nam đã tồn tại nhức nhối nhiều năm qua nhưng vẫn chưa dẹp bỏ được. Thậm chí có dấu hiệu ngày càng tinh vi, phát triển ở quy mô lớn.

- Vậy theo Luật sư, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP có còn phù hợp để áp dụng cho thực tại hiện nay? Làm sao để xử lý được thực trạng sách giả, sách lậu?

Như đã nói, tình trạng sách giả, sách lậu đang đe dọa trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các đơn vị phát hành sách, các nhà làm sách, và các tác giả, chủ sở hữu... thì các chế tại trong Nghị định số 159/2013/NĐ-CP không còn phù hợp để áp dụng cho thực tiễn hiện nay.

Theo tôi, cần phải xây dựng các chế tài xử phạt đủ mạnh để quản lý thị trường này bằng các công cụ tài chính, chứ không thể trông chờ vào ý thức, đạo đức kinh doanh hiện hành, mới đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, bên cạnh đó, cần siết chặt công tác in ấn, phát hành của các cơ sở in ấn để đảm bảo không có các đầu sách được in ấn và phát hành sai quy trình, quy định.

Song song với đó, cần thành lập các đoàn liên ngành phòng, chống in lậu, cũng các cơ quan chức năng tại địa phương,… tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực in lậu, kinh doanh sách giả, sách lậu để làm trong sạch thị trường sách hiện nay. Đặc biệt, chính những chủ sở hữu “sách thật” cũng cần vào cuộc tham gia phối hợp trong mặt trận này.

Nếu không có một chế tài mạnh tay, liệu có ngày vẫn nạn sách giả, sách lậu sẽ chấm dứt?

Nếu không có một chế tài mạnh tay, liệu có ngày vẫn nạn sách giả, sách lậu sẽ chấm dứt?

- Theo Luật sư, ngoài quản lý, xử phạt theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP như hiện này? Hoạt động sản xuất, kinh doanh sách giả, sách lậu có thể xử lý hình sự được không?

Việc in ấn, phát hành sách giả, sách lậu có thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 344 Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản”.

Cụ thể, mức thấp nhất có thể phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi “không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; In trên 2.000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật; Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm... Nếu phạm tội có tổ chức thì có thể bị phạt tù từ 2 đến 5 năm”.

Ngoài ra, đối với vấn đề in ấn, phát hành sách giả, sách lậu có thể cấu thành hành vi vi phạm bản quyền, quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 về “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”, có thể phạt tiền lên đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hay còn có thể áp dụng quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 về “tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, với mức phạt cao nhất đối với cá nhân có thể phạt tiền lên đến 1 tỉ đồng, phạt tù cao nhất lên đến 15 năm; đối với pháp nhân có thể bị phạt tiền lên đến 9 tỉ đồng tùy vào mức độ và hành vi vi phạm…

- Xin cảm ơn Luật sư!