Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group cho biết, mặc dù nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch nhưng hàng loạt các nhà máy đang phải giảm công suất hoạt động do thiếu hụt nhân lực.

ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group.

- Quy định chống dịch ngày càng “siết” chặt về thời gian đã ảnh hưởng thế nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Vina T&T, thưa ông?

Các nhà máy sản xuất, sơ chế của chúng tôi hiện chỉ hoạt động được khoảng 40% công suất. Trước đây, công nhân thu hoạch sẽ di chuyển từ khoảng 2 giờ sáng để 4 giờ có mặt tại nơi thu hoạch và khoảng 6 giờ sáng là đưa hàng về sơ chế, phân loại, đóng gói và rời nhà máy lúc khoảng 21-22h. Tuy nhiên, từ khi thực hiện quy định chống dịch, công nhân 6 giờ mới được phép tới nhà, đi làm phải thực hiện thêm thủ tục khai báo y tế, thì phải 9 giờ mới đến nơi làm việc. Hàng về được nhà máy thì cũng quá trưa trưa rồi, tiếp đến phải lo về nhà trước giờ giới nghiêm.

Cùng với đó, việc áp dụng “3 tại chỗ” làm phát sinh chi phí về chỗ ăn, ở tại chỗ, chi phí test COVID-19 cho người lao động cũng như chi phí cho công tác phòng chống dịch. Riêng đội lái xe chuyên trở trái cây của chúng tôi cũng đã “ngốn” chi phí lớn về test COVID-19, chi phí xe nằm lại. Với các nhà máy của Vina T&T mức chi phí phát sinh ước tính khoảng 20%. Nhưng cũng không phải lao động nào cũng ở lại nhà máy để sản xuất “3 tại chỗ”, phần vì hoàn cảnh gia đình, phần vì sợ dịch bệnh trong nhà máy nếu có sẽ lây lan...

- Vấn đề lưu thông hàng hoá còn làm khó doanh nghiệp xuất khẩu trái cây không, thưa ông?

Mặc dù chúng tôi là doanh nghiệp được ưu tiên đăng ký “luồng xanh” tuy nhiên còn vấn đề ùn tắc hàng hoá tại cảng, thiếu container cho hàng xuất khẩu… Ngoài ra, giá cước “leo thang” chóng mặt, nếu như trước kia, giá cước đi Bờ Tây Mỹ khoảng 1.600/container thì đến tháng 8/2020 là 3.000 USD và hiện nay đã là 9.600 USD. Tương tự, giá cước đi Bờ Đông như New York đã tăng từ 3.000 USD trước dịch lên 17.000-18.000 USD. Giá cước tăng quá sức chịu đựng của doanh nghiệp nhưng cũng không có container để book. Thậm chí, một số hãng tàu hiện nay đã “từ chối” hàng lạnh. Trong khi, trái cây thì không thể lưu kho bãi, chỉ cần chậm một ngày là hàng hoá có thể hư hỏng gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp.

p/Xe chở hoa quả của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ XNK Vina T&T thường xuyên phải nằm chờ.

Xe chở hoa quả của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ XNK Vina T&T thường xuyên phải nằm chờ.

- Đối với nguy cơ mất thị trường của trái cây Việt, doanh nghiệp đã có giải pháp phòng ngừa rủi ro này như thế nào thưa ông?

Chúng tôi vẫn cố gắng duy trì các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Hàn Quốc… bởi thực tế nhu cầu còn lớn, cùng với đó chú trọng mở rộng các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, nếu công suất các nhà máy tiếp tục giảm, hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trái cây lại không được ưu tiên book chỗ trong khi công nghệ bảo quản của chúng ta còn chưa tốt thì sẽ có khả năng mất thị trường vào tay Thái Lan – đất nước có các mặt hàng trái cây nhiệt đới tương tự Việt Nam. Cùng với đó, khi nguồn cung khan hiếm, một số bang như Florida hay Mexico của Mỹ có thể sẽ tính tới việc chuyển đổi cây trồng để đáp ứng chính nhu cầu thị trường của họ.

- Vina T&T có đề xuất giải pháp gì với các cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, thưa ông?

Về chính quyền địa phương, chúng tôi kiến nghị cố gắng kéo dài hoạt động của doanh nghiệp nhất có thể, đặc biệt là với mảng trái cây, cho phép đội thu hoạch đi sớm hơn và đội sản xuất về muộn hơn.

Chúng tôi cũng đề xuất Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đàm phán tìm lý do tháo gỡ những loại trái cây đang bị cấm xuất khẩu, ví dụ như thanh long vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời mở rộng ra nhiều thị trường và nhiều loại trái cây xuất khẩu chính ngạch hơn con số 7 loại tại Mỹ và 9 loại ở Trung Quốc như hiện nay. Trong đó tăng cường tận dụng các FTA đã ký kết. Đề xuất Bộ Công Thương tăng cường kết nối thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp kết nối xúc tiến trực tuyến.

Đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu mô hình đường lớn cho xe tải đi tới tận vườn thì sẽ thuận lợi hơn, giảm phí cho doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu:

Hiện cước phí logistics đã vượt ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công Thương cần có kênh thông tin điện tử để cập nhật chi phí cước vận chuyển theo tuần cho doanh nghiệp nắm bắt, kiểm soát chi phí logistics. Giá logistics tăng phi mã, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đấu tranh với chính mình về việc tiếp tục hay dừng lại. Bởi, nông sản nếu không đảm bảo được lưu thông thì con số thiệt hại của doanh nghiệp cũng nhân lên nhiều lần.

Ông Mai Công Tiếp, Giám đốc Công ty Lức Tím:

Chúng tôi rất muốn thu mua để giải quyết đầu ra cho nông dân nhưng không được. Nguyên nhân do ảnh hưởng của Chỉ thị 16 hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang thu mua trái cây không đảm bảo “3 tại chỗ” phải đóng cửa một phần vì chỉ thị, một phần vì lo ngại dịch bệnh. Nếu phải ngưng hoạt động trong thời gian dài sẽ rất khó khăn bởi vì các đối tác nước ngoài cung ứng vào siêu thị đã niêm yết giá và phải cung ứng liên tục. Do đó, các nhà nhập khẩu sẽ tìm đối tác mới.