CSI là công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu của doanh nghiệp – điều này đã được chứng minh qua tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 hiện nay.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng: Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) đã góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thực hiện quản trị doanh nghiệp bền vững.
- Ông đánh giá như thế nào về tác động của các Chương trình, sáng kiến nổi bật được VBCSD triển khai thời gian vừa qua?
Trước hết, phải kể đến là sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi trong tư duy kinh doanh khi doanh nghiệp được tiếp cận nhiều hơn đến khái niệm phát triển bền vững (PTBV). Doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích của PTBV, đó không phải là chi phí, mà hơn hết đó chính là cơ hội sát sườn của doanh nghiệp. Theo báo cáo Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn, thực hiện thành công 17 mục tiêu PTBV có thể tạo ra thị trường trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ USD mỗi năm và 380 triệu việc làm mới vào năm 2030.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình quan trọng như Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF), Hội nghị toàn quốc về PTBV, VBCSD đã góp phần không nhỏ để thúc đẩy đối thoại về PTBV ở quy mô quốc gia, qua đó đưa PTBV doanh nghiệp vào trong chương trình nghị sự của Chính phủ, các Bộ, ngành và đưa PTBV vào trọng tâm chiến lược kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
VBCSD sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn thường niên về PTBV để cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thực hiện PTBV, cũng như góp tiếng nói kiến nghị chính sách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Một trong những hoạt động được Hội đồng dồn nhiều tâm huyết, công sức trong 5 năm qua là Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, với công cụ đánh giá mức độ PTBV của doanh nghiệp là Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI). Mục tiêu của Chương trình không chỉ là biểu dương các doanh nghiệp có tư duy kinh doanh nhân văn, cân bằng lợi ích kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, mà còn nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thực hiện quản trị doanh nghiệp bền vững.
Theo kết quả thu được từ Khảo sát nhanh về Thực trạng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và Kiến nghị từ doanh nghiệp Hội viên VBCSD do VBCSD thực hiện đầu năm nay, những doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ thực hiện PTBV nói chung và quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI nói riêng đã, đang chịu ít thiệt hại từ đại dịch COVID-19 hơn. Những doanh nghiệp tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp Việt như PAN Group, PNJ, Bảo Việt, Traphaco đều khẳng định định hướng PTBV của doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả rõ ràng nhất trong “tâm bão” COVID-19, doanh nghiệp trụ vững và chống chịu tốt hơn trước thách thức của đại dịch.
CSI là công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu của doanh nghiệp – điều này đã được chứng minh qua tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 hiện nay.
- Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, xin ông cho biết chương trình hành động của VBCSD trong nhiệm kỳ mới (2020 – 2023) để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp PTBV, đặc biệt là các DNNVV?
Theo kế hoạch hành động đã được Ban thường trực VBCSD nhiệm kỳ mới thông qua, trong những năm tới đây Hội đồng sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động cốt lõi: truyền thông – nâng cao nhận thức, nghiên cứu, đào tạo, hợp tác quốc tế và thúc đẩy quan hệ đối tác để thực hiện các sáng kiến mới về PTBV doanh nghiệp.
Cùng với đó, VBCSD cũng sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn thường niên đối thoại về PTBV để cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện PTBV, cũng như góp tiếng nói kiến nghị chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hơn nữa.
Để có thể biến nguy thành cơ, hỗ trợ doanh nghiệp nước nhà nhanh chóng bắt kịp xu thế phát triển của doanh nghiệp toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh để trụ vững trên sân nhà và vươn ra thế giới, VBCSD sẽ tập trung nguồn lực thực hiện tốt 2 định hướng: thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp có nền tảng quản trị doanh nghiệp bền vững. Đó chính là những “lối tắt” để doanh nghiệp Việt có thể “đi tắt, đón đầu”.
- Năm 2020 là năm thứ năm liên tiếp Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020 (CSI 2020) được triển khai. Theo kế hoạch, ngày 15/8/2020 là ngày cuối nhận hồ sơ, xin ông cho biết sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp như thế nào tính đến thời điểm này?
Ban tổ chức hiện đã nhận được sự tham gia rất tích cực của các doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trong cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất. Có nhiều cái tên quen thuộc đã tham gia Chương trình liên tục trong 5 năm qua. Và cũng có nhiều doanh nghiệp mới lần đầu tham gia Chương trình. Các hoạt động truyền thông, đào tạo doanh nghiệp áp dụng Bộ chỉ số CSI 2020 đã hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong quá trình khai hồ sơ tham gia.
Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, Ban tổ chức quyết định gia hạn thời hạn nộp hồ sơ, từ ngày 15/8 sang ngày 5/9/2020.
Việc gia hạn này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ tốt hơn cũng như giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp khi phải giải quyết nhiều vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh do COVID-19 gây ra.
- Xin cảm ơn ông!