Chủ trương loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện ở miền núi, gồm A Vương 4, Sông Bung 3, Đăk Di 4, A Banh, Chà Vàl và Đăk Pring 2.
Mới đây, ông Lê Trí Thanh, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã thay mặt Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh ký văn bản gửi Sở Công thương, Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan về việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thống nhất loại khỏi quy hoạch 6 thủy điện trên là do một số dự án được cấp phép đầu tư nhưng không khởi công xây dựng. Ngoài ra, một số dự án chỉ mới có chủ trương nghiên cứu đầu tư nhưng khi rà soát, đánh giá lại quy hoạch thì thấy hiệu quả không lớn trong khi lại tác động đến đất rừng tự nhiên và dân sinh nên trình các cấp có thẩm quyền xóa khỏi quy hoạch.
Với một địa phương có tới 46 thủy điện, trong đó có 36 thủy điện vừa và nhỏ, như Quảng Nam, việc thống nhất loại bỏ những thủy điện không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận và nhân dân địa phương.
Việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan ở nhiều địa phương đã được nhiều chuyên gia cảnh báo là có nguy cơ phá hủy môi trường, phá rừng và xảy ra lũ lụt. Trong bối cảnh người dân đang đối mặt với thiên tai, lũ lụt thì đã đến lúc cần nhìn nhận thẳng vấn đề, mạnh tay “khai tử” những thủy điện “lợi bất cập hại”.
Thực tế, nhiều năm qua việc thuỷ điện vừa và nhỏ phát triển ồ ạt, tràn lan ở nhiều địa phương đã được nhiều chuyên gia cảnh báo là có nguy cơ phá huỷ môi trường, mất rừng và xảy ra lũ lụt. Dù mang lại những lợi ích kinh tế nhất định, nhưng các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam đang được đánh giá xem xét và hạn chế để giảm thiểu những nguy hại nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống con người.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, trong những năm qua thuỷ điện vừa và nhỏ giữ vai trò đáng kể trong nguồn điện nói chung và nguồn thuỷ điện nói riêng. Do vị trí địa lý của Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều, nước ta có nguồn tài nguyên thủy năng tương đối lớn. Trong đó, trữ năng kinh tế ước đạt 80 - 100 tỉ kWh/năm.
Riêng tổng công suất thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước khoảng trên 4.500 MW, hàng năm đóng góp trên 5 tỉ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng góp phần xây dựng đất nước, là nguồn năng lượng xanh, sạch.
Ngoài ra, thủy điện còn có chức năng điều hòa dòng chảy, điều hòa chế độ thủy văn trên các dòng sông, chẳng hạn như Hà Nội gần như hết lũ lụt kể từ khi có thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên, những công trình thủy điện lớn thì cần đầu tư rất nhiều diện tích đất, vì cần lòng hồ để chứa dung tích phòng lũ, có thể chiếm 10-15% dung tích hồ chứa.
Thủy điện loại vừa cũng có những chức năng phòng lũ nhưng không nhiều. Đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung thì chức năng, khả năng phòng lũ của những thủy điện loại này là rất kém. Xét về mặt địa hình, hầu hết lưu vực sông miền Trung đều nông, nhỏ nên lòng sông rất dốc.
“Khi xây dựng, dung tích nước lòng sông được tận dụng hết mức bằng cách xây đập ngăn sát ngay với bề mặt nên hầu như thủy điện vừa không còn dung tích để phòng lũ. Thêm vào đó, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung thường bỏ qua khâu quan trọng là không có cửa xả đáy nên dung tích ngày càng bé lại”, ông Hải giải thích.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã cảnh báo rất nhiều vấn đề môi trường đối với thủy điện, trong đó phải kể đến ảnh hưởng từ các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Theo PGS. Lưu Đức Hải, đó là việc xây dựng các nhà máy thủy điện sẽ gây mất đất làm hồ chứa, kèm theo đó là đánh mất tài nguyên rừng bởi hầu hết thủy điện nằm ở miền núi cao – nơi có rất nhiều tài nguyên rừng tự nhiên quý giá.
Chính phủ đã có quy định các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác phải có trách nhiệm trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế, nhưng rừng trồng lại không có giá trị đáng kể về mặt đa dạng sinh học, hầu như không thể so sánh với giá trị của rừng tự nhiên.
Thủy điện lớn và vừa hình thành cũng sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn ở các dòng sông, độ sâu của mực nước tăng lên, dẫn đến khối nước bị phân tầng, đặc biệt, chế độ thủy văn dưới hạ lưu – vấn đề chưa được nhà đầu tư quan tâm nhiều khi đánh giá tác động môi trường của thủy điện.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra quy định để kiểm soát bằng các dòng chảy môi trường, nghĩa là yêu cầu các nhà máy thủy điện mở nước qua đập xuống hạ lưu bằng dòng chảy thấp nhất kể cả trong mùa cạn, nhưng hầu như có rất ít đơn vị nghiêm túc thực hiện. Về mùa mưa, dung tích chứa của thủy điện miền Trung nhỏ nên thủy điện phải xả nước ra, lúc này dưới hạ lưu đang bị lụt thì thành ra lũ chồng lũ”, ông Hải nói.
Có thể bạn quan tâm