Rà soát tất cả các dự án BT

Hồng Hương thực hiện 10/03/2019 20:05

Đây là quan điểm của GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Liên quan đến việc Thủ tướng đang đốc thúc hoàn thiện Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện các hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).Theo GS Đặng Hùng Võ, có rất nhiều luật điều chỉnh về vấn đề xử lý các tồn tại của các hợp đồng BT. Trong quá trình rà soát, dự án thực hiện theo hợp đồng BT vi phạm luật nào thì xử lý theo luật đó.

- Vậy việc rà soát lại các hợp đồng BT có thể gọi là hồi tố đối với các dự án sai phạm hay không, thưa ông?

Về nguyên tắc, pháp luật trong giai đoạn nào cơ quan Nhà nước thực hiện đúng pháp luật là được, không cần phải hồi tố. Nếu tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án BT trước khi có Luật Quản lý sử dụng tài sản công hoặc Nghị định hướng dẫn thi hành luật này thì không thể gọi là vi phạm luật này được. Tất nhiên, nếu chứng minh được việc có chuyện lợi ích nhóm và có chuyện tham nhũng thì đương nhiên theo Luật Chống tham nhũng là cần phải xử phạt.

- Nên rà soát toàn bộ các dự án liên quan đến việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư từ trước đến nay hay phải có giới hạn thời gian, quy mô dự án, thưa ông?

Nếu Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành và Thủ tướng đã chỉ đạo thì có nghĩa chúng ta sẽ rà soát tất cả các dự án BT trên cả nước. Về nguyên tắc, cần phải đúng với pháp luật hiện hành tại thời điểm đó, nếu có điều gì trái luật thì cần phải sửa lại, nếu có sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm.

Thí dụ, năm 2017 mới có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có khá nhiều điều quy định về dự án BT, nhưng 01/01/2018 mới có hiệu lực và không áp dụng được với các dự án BT đã triển khai trước thời điểm đó.

Có thể bạn quan tâm

  • BT

    BT "hết cửa đi đêm"

    05:00, 02/03/2019

  • Sẽ rà soát lại nhiều dự án BT

    Sẽ rà soát lại nhiều dự án BT

    05:00, 02/03/2019

  • “Gỡ vướng” dùng tài sản công thanh toán hợp đồng BT

    “Gỡ vướng” dùng tài sản công thanh toán hợp đồng BT

    16:54, 26/01/2019

- Để minh bạch việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hợp đồng BT cần đưa ra giải pháp nào, thưa ông?

Giải pháp tốt nhất vẫn là cần công khai minh bạch thông tin. Chính phủ cần giới hạn lại phạm vi áp dụng dự án đầu tư theo hình thức BT: chỉ được áp dụng tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng.

Dự án BT có nhược điểm chủ yếu là làm cạn kiệt nguồn lực đất đai, nên khi áp dụng, cần hoàn thiện cơ chế xác định giá trị công trình hạ tầng, giá trị đất đai trả cho nhà đầu tư.

Dự án BT có nhược điểm chủ yếu là làm cạn kiệt nguồn lực đất đai. Khi áp dụng, các cơ quan cần hoàn thiện cơ chế xác định giá trị công trình hạ tầng, giá trị đất đai trả cho nhà đầu tư và chi tiết hóa hợp đồng BT theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, mọi dự án đối tác công - tư phải được công khai toàn bộ, có sự tham gia giám sát của người dân và cơ quan nhà nước có liên quan, phải thực hiện đúng trách nhiệm giải trình trước các ý kiến giám sát của nhân dân. Đây là những nguyên tắc cơ bản của một hệ thống quản trị tốt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Ông có thể kể tên những bất cập tại một số dự án BT?

Một số dự án điển hình tại Hà Nội như Gamuda Land. Đây là dự án đã dùng nhiều đất tại khu đô thị Gamuda để đổi lấy việc xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Sở.

Dù luật pháp nào đi nữa thì cũng cần rà soát trước việc đổi số lượng đất lớn như vậy để xây dựng trạm xử lý nước thải mà cho đến nay dự án trong tình trạng gần như không hoạt động như đề án đưa ra, mọi mục tiêu đều cho thấy không hiệu quả.

Xét về việc chênh lệch giá trị định giá đất, hoặc các vấn đề khác thì cần thêm nhiều cơ quan cùng đánh giá. Việc đem đất đi mua một công trình, mà công trình đó đến thời điểm hiện tại có thể cho thấy hoạt động không hiệu quả thì việc rà soát là cần thiết.

Một số dự án BT khác, việc giao đất đổi lấy dự án xây dựng hạ tầng giao thông cùng trong một khu đô thị cũng là một vấn đề. Chủ đầu tư xây dựng dự án hạ tầng giao thông trong khu đô thị, sau đó lại xây nhà trên khu đô thị đó để bán. Như vậy chủ đầu tư được lợi cả hai đường, công trình hạ tầng giao thông làm cho chính dự án khu đô thị của mình thụ hưởng và cũng là công trình hạ tầng giao thông đối ứng với quỹ đất được nhận.

Ở đây Nhà nước dường như không được hưởng lợi từ sự phát triển hạ tầng giao thông. Ví dụ điển hình là các dự án Ecopark, khu đô thị Thanh Hà của Cienco 5 hay khu đô thị Nam Cường ở thành phố Hải Dương…

Do đó, việc rà soát lại tất cả các dự án BT là đúng, là nên làm. Thủ tướng đã có chỉ thị thì tất cả các dự án đều cần phải rà soát lại và cần thực hiện trên tất cả các địa phương. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất đúng, bởi cho đến nay BT là thể loại dự án gây bức xúc rất nhiều về mọi mặt. Trong đó, việc đất được mang đổi có giá trị cao hơn giá trị công trình rất nhiều. Đa số ý kiến đã nói như vậy, nhưng dù sao cũng chỉ là cảm tính, là tư duy mang tính định tính chứ chưa có định lượng.

Trước yêu cầu của Thủ tướng về việc rà soát thì chúng ta cần phải có những kết luận về định lượng đối với từng dự án một, đặc biệt là các dự án đã từng gây bức xúc và tai tiếng trong dư luận rất nhiều.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rà soát tất cả các dự án BT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO