Vietravel Airlines vừa được Cục Hàng không thông qua đề án thành lập. Tuy nhiên, quy mô vốn của Vietravel khá nhỏ, nợ phải trả tới 1.453 tỷ đồng, gấp 6,5 lần vốn chủ sở hữu.
Vào đầu năm, Vietravel từng gây xôn xao thị trường khi quyết định lập hãng hàng không với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy, Vietravel mới chỉ góp 5 tỷ đồng vào hãng bay này.
Quy mô vốn nhỏ, nợ phải trả lớn
Vietravel tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải (Tracodi). Công ty bắt đầu mang tên Vietravel từ năm 1995 và được cổ phần hóa vào năm 2014, chính thức không còn vốn nhà nước. Trụ sở chính được đặt tại 190 Pasteur, Phường 6, Quận 3, TP.HCM. Chủ tịch HĐQT của Công ty là ông Nguyễn Quốc Kỳ (sinh năm 1958).
Ông Kỳ cũng là cổ đông lớn nắm giữ 9,07% vốn điều lệ của Vietravel. Công ty còn một cổ đông lớn khác là Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch và lữ hành quốc tế Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 16,22%.
Ngành nghề hoạt động chính của Vietravel là điều hành tour du lịch, bao gồm việc kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế, ngoài ra còn có xuất khẩu lao động, xúc tiến thương mại, dạy nghề.
Sau khi công bố ý định gia nhập thị trường hàng không vào đầu năm 2019, tham vọng của Vietravel bước đầu được hiện thực hóa khi Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) được thành lập vào ngày 19/2/2019. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu của doanh nghiệp này là 300 tỷ đồng và do Vietravel sở hữu 100% vốn, mục tiêu là tạo ra hãng hàng không chuyên phục vụ du lịch. Sân bay căn cứ đặt tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tới nay, quy mô vốn của Vietravel Airlines đã được đăng ký nâng lên mức 700 tỷ đồng, đặt mục tiêu hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2020, khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 10/2020.
Để có thể thành lập một hãng hàng không, bên cạnh các vấn đề chuyên môn vận hành thì tiềm lực tài chính đóng vai trò then chốt.
Tuy nhiên, quyết định lập hãng hàng không Vietravel Airlines với vốn điều lệ vỏn vẹn 700 tỷ đồng của Vietravel gây xôn xao thị trường khi báo cáo tài chính mới nhất cho thấy Vietravel mới góp vỏn vẹn 5 tỷ đồng vào hãng bay này.
Theo báo cáo tài chính quý II/2019, tại thời điểm 31/6/2019, tổng tài sản của Vietravel đạt 1.654 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả lên tới 1.435 tỷ đồng, gấp 6,5 lần vốn chủ sở hữu.
Nợ phải trả của Công ty phần lớn đến từ khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước ngắn hạn là 1.052 tỷ đồng. Còn ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, phần lớn tài sản của Công ty là các khoản phải thu ngắn hạn với quy mô 957 tỷ đồng. Số dư tiền chỉ vào khoảng 240 tỷ đồng.
Vừa qua, Hội đồng quản trị Vietravel đã hủy kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá trị 80 tỷ đồng được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 4/2019.
Thay vào đó, Vietravel đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho Dự án Vietravel Airlines vào ngày 8/8 vừa qua. Quy mô của đợt phát hành trái phiếu đúng bằng vốn điều lệ đăng ký của Vietravel Airlines.
Tuy nhiên, cho đến nay, Vietravel vẫn chưa công bố kết quả xin ý kiến cổ đông về việc này.
Tại thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Vietravel chỉ đạt lần lượt là 1.368 tỷ và 235 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của công ty là các chi phí trả trước liên quan đến việc khai thác tour du lịch cùng các khoản phải thu khách hàng. Tương ứng ở phía bên nguồn vốn là các khoản phải trả người bán và người mua trả tiền trước.
Năm 2018, Vietravel đạt doanh thu hơn 7.300 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng chỉ có 54 tỷ đồng tức tỷ suất lợi nhuận chỉ hơn 0,7% dù đã cải thiện đáng kể so với các năm trước. Mức lợi nhuận của Vietravel thậm chí còn thua xa nhiều khách sạn 4-5 sao.
Trong năm 2017, Vietravel cán mốc doanh thu 6.189 tỉ đồng, trong đó 87% đến từ mảng dịch vụ du lịch lữ hành; 5% đóng góp từ vé máy bay, 6% từ dịch vụ khác và 2% từ hoạt động bán hàng hóa.
Lợi nhuận sau thuế của Vietravel trong năm 2017 là hơn 37 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước đó.
6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Công ty Vietravel đạt 3.606 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, chưa bằng một nửa của cả năm 2018.
Khuyến cáo của Cục hàng không
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sau khi thẩm định dự án thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines của Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự án này đủ điều kiện để Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo Cục Hàng không, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, cơ quan này đã hoàn tất việc thẩm định Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (dự án Vietravel Airlines), theo đó dự án này không trái với quy hoạch, chính sách phát triển vận tải hàng không theo các quyết định của Thủ tướng.
Theo cơ quan quản lý hàng không, quy mô đội bay 3 chiếc vào năm 2020 và 8 chiếc vào năm 2024 của Vietravel Airlines nằm trong nhu cầu tăng trưởng đội máy bay của các hãng hàng không, phù hợp với quy hoạch.
Cục Hàng không đánh giá mô hình khai thác dự kiến của Vietravel Airlines cung cấp chuyến bay thuê chuyến (charter), phục vụ du lịch cần được khuyến khích vì hiện tại Việt Nam chưa có hãng nào cung cấp dịch vụ này.
Mô hình trên đang được khoáng 30 hãng hàng không và công ty du lịch trên thế giới áp dụng. Hiện có các công ty như Pegas (Thổ Nhỹ Kỳ), Nord Wind (Nga) khai thác theo mô hình này đến Việt Nam.
Dù vậy, cơ quan quản lý hàng không vẫn cho rằng mô hình này của Công ty Vietravel vẫn "tiềm ẩn khó khăn khi chọn mạng đường bay chủ yếu ở các sân bay thứ cấp" vì khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Có thể bạn quan tâm
19:25, 13/08/2019
06:33, 12/08/2019
13:19, 30/07/2019
07:00, 27/07/2019
Nếu như trong trường hợp khai thác các chuyến bay charter không hiệu quả, Vietravel Airlines sẽ khai thác thường lệ và sẽ phải sử dụng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu máy bay qua đêm, điều được cho là sẽ "góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không".
Cục Hàng không khuyến cáo Vietravel Airlines cần xây dựng kế hoạch khai thác linh hoạt trong trường hợp thuê chuyến tại các sân bay lớn do sẽ gặp khó khăn trong việc có được các slot (giờ cất, hạ cánh) vì mới tham gia thị trường.
Cục Hàng không đánh giá việc Vietravel Airlines lựa chọn sân bay Phú Bài làm sân bay căn cứ và khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyên, về cơ bản phù hợp với năng lực của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay.
Theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ nâng cấp Phú Bài là sân bay dân dụng cấp 4E, có thể tiếp nhận các loại máy bay Airbuss A320, A 321, Boeing B767, B777 và tương đương, số chỗ đỗ máy bay đến năm 2020 là 20 vị trí và lượng hành khách tiếp nhận đạt khoảng 5 triệu khách/năm.
Mặc dù vậy, Cục Hàng không khuyến cáo Vietravel Airlines cần lưu ý: việc đỗ máy bay qua đêm tại Tân Sơn Nhất đã hết chỗ, còn tại Nội Bài cũng sẽ đến giới hạn khi các hãng tăng máy bay trong thời gian tới.
Do đó, việc đỗ toàn bộ đội bay của Vietravel Airlines qua đêm tại Phú Bài vốn là một cảng hảng không có thị trường đi - đến không cao nên dễ dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức hoạt động khai thác hàng ngày.