Muốn "chơi lớn" trong lĩnh vực hàng không khi dự kiến phát hành 700 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho Vietravel Airlines, tuy nhiên để "đến đích" bản thân Vietravel phải giải quyết nhiều vấn đề.
CTCP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel - Mã CK: VTR) vừa thông qua quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch huy động 700 tỷ trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho dự án Vietravel Airlines - đúng bằng vốn điều lệ đăng ký của công ty hàng không này.
Muốn huy động 700 tỷ đồng "nuôi" giấc mơ hàng không
Cụ thể, doanh nghiệp này dự trình cổ đông phương án phát hành 80.000 trái phiếu không chuyển đổi mệnh giá 1 triệu đồng được thông qua tại đại hội thường niên vào tháng 4 vừa qua.
Thay vào đó, Vietravel dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ gấp nhiều lần quy mô kể trên, lên tới 700 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi. Lô trái phiếu này có mức lãi suất không quá 11%/năm với kỳ hạn 2 năm.
Kế hoạch thành lập hãng hàng không được ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel tiết lộ lần đầu tiên tại một hội thảo đầu tháng 4.
Tuy nhiên, thực tế từ giữa tháng 2, doanh nghiệp này đã thành lập Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam do ông Kỳ làm người đồng đại diện theo pháp luật. Công ty có vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, đặt trụ sở tại thành phố Huế và điều chỉnh lên thành 700 tỷ đồng không lâu sau đó.
Mới đây, bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cho biết Vietravel đã trình hồ sơ dự án đầu tư vận tải hàng không về Hãng hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế để xin phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế đã gửi hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các các cơ quan liên quan để triển khai các bước tiếp theo xin cấp phép thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines.
Đường đua còn dài...
Tương tự trường hợp của Vinpearl Air mới đây, Vietravel Airlines cũng đăng ký ngành nghề chính là “Vận tải hành khách hàng không”.
Song, cần lưu ý rằng, trong lĩnh vực hàng không, ngành nghề trong đăng ký kinh doanh không có nhiều ý nghĩa. Để trở thành một hãng hàng không thực sự, bên cạnh đáp ứng tiêu chí về vốn, Vietravel Airlines phải có “Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không” và “Chứng chỉ nhà khai thác bay” (AOC).
Căn cứ theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ thực hiện trình hồ sơ thành lập hãng hàng không lên chính quyền địa phương. Hồ sơ sau đó sẽ được trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc cấp phép kinh doanh vận tải hàng không dân dụng đều thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Và hãng hàng không này đang tích cực đẩy mạnh những bước đi “đúng quy trình” nêu trên để có được “giấy phép bay”.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, trong những năm gần đây, lĩnh vực hàng không Việt Nam phát triển rất nhanh.
Sự tăng trưởng quá mạnh khiến tình trạng quá tải hàng không đang trở nên nghiêm trọng, tắc nghẽn từ vùng trời cho đến cơ sở hạ tầng tại các sân bay, thiếu hụt nhân lực kỹ thuật, phi công,...
Theo ông Đỗ Đức Tú, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay, tốc độ tăng trưởng đội bay đã vượt quá khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay, đặc biệt là tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
“Thách thức lớn nữa là vấn đề con người. Các doanh nghiệp có thể huy động được các nguồn vốn để thành lập một hãng hàng không, ký hợp đồng mua tàu bay rất lớn, nhưng con người là vấn đề phải quan tâm. Có phương tiện, nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Tú lo ngại.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 27/07/2019
11:30, 14/06/2019
08:00, 16/02/2019
17:32, 30/01/2019
Tính toán của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, đến năm 2025, để đảm bảo các hoạt động bay thường nhật, các hãng hàng không Việt Nam cần tới 3.586 phi công, tăng 1.225 phi công so với tháng 5/2019; riêng trong giai đoạn 2020 - 2021 cần bổ sung 260 phi công mỗi năm. Trong khi đó, khả năng đào tạo chuyển loại từ phi công cơ bản lên phi công thương mại bay Airbus 320/321 của Vietnam Airlines và Vietjet - hai hãng có trung tâm đào tạo bay, cũng chỉ khoảng 100 - 120 phi công/năm.
Sự xuất hiện hàng không thứ 6 Vietstar Airline cùng với một số hãng hàng không đang xếp "note" để được cấp phép sẽ khiến thị trường này ngày càng trở nên sôi động và cạnh tranh khốc liệt hơn.
Bên cạnh đó, với việc các đại gia đồng loạt rót nhiều tỷ USD vào lĩnh vực này, rủi ro cho các khoản đầu tư cũng đang dần lớn lên.
Kết quả kinh doanh của TCty Hàng không Việt Nam (HVN) cũng cho thấy điều này. Mặc dù vượt kế hoạch, nhưng lợi nhuận trước thuế của HNV trong 6 tháng đầu năm 2019 trên thực tế giảm 11% so với cùng kỳ. Nếu tính riêng quý 2, lợi nhuận thậm chí giảm tới 83%.
Vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng tăng khá chậm. Trong 6 tháng qua, HVN vận chuyển hơn 13,9 triệu lượt hành khách, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ trong khi lượng hàng hóa đạt 180 ngàn tấn, chỉ tăng 1,6%.
Theo thông tin từ Vietjet, quý 1, lợi nhuận trước thuế vận tải hàng không đạt 923 tỷ đồng, tăng trưởng 25,3%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.648 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3 % so với cùng kỳ 2018.
Bản thân Vietravel có tiềm lực tài chính khá khiêm tốn so với những hãng hàng không nội đại hiện nay của Việt Nam. Báo cáo tài chính của Vietravel cho thấy, doanh nghiệp này chỉ lãi ròng vỏn vẹn gần 5 tỷ đồng trong quý I/2019.
Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt hơn 1.285 tỷ đồng, trong đó giá vốn hàng bán chiếm 92,7%. Kết quả, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp trong kỳ còn gần 92,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động đạt gần 525 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính gấp gần 5 lần doanh thu (hầu hết là chi phí lãi vay chiếm 92% trong chi phí tài chính của doanh nghiệp).
Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Vietravel lần lượt là 8 tỷ và 76 tỷ đồng, giảm mạnh từ con số 39,8 tỷ và 313 tỷ của cuối năm 2018 do giảm chi phí nhân viên trong doanh nghiệp.
Với những diễn biến trên, quý I/2019 công ty này báo lãi trước thuế 6,1 tỷ đồng và lãi rồng 4,9 tỷ.
Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của Vietravel là 1.265,4 tỷ đồng, cao hơn con số 1.111 của đầu năm, chủ yếu nằm ở tài sản ngắn hạn với hơn 1.029 tỷ đồng.
Nợ phải trả cũng lên tới 1.052 tỷ đồng, gấp 4,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp là 58,8 tỷ đồng và dài hạn là 35,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết tháng 3/2019 là 72 tỷ đồng.
Lưu chuyển dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp âm 12 tỷ trong quý I/2019. Trong đó, Vietravel có tới gần 1.330 tỷ đồng tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa và dịch vụ và 1.455 tỷ đồng tiền thu bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác.
Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 25,6 tỷ đồng, nằm chủ yếu tại khoản rmục chi đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác lên tới 20 tỷ đồng.
Báo cáo mới đây của MBS cho hay, trong ngắn hạn, tăng trưởng của ngành hàng không sẽ giảm tốc. Nguyên nhân được đưa ra gồm: thị trường nội địa chững lại và du lịch Việt Nam có dấu hiệu kém thu hút khách Trung Quốc.
MBS cũng chỉ rõ một số rủi ro chính của ngành trong thời gian tới. Cụ thể như rủi ro giá nhiên liệu bay, bất ổn chính trị, xã hội tác động lên an toàn cùng tâm lý hành khác, tác động của tỷ giá,...
Bên cạnh đó, MBS cũng cho rằng, hàng không Việt Nam có rào cản gia nhập ngành tương đối cao, đặc biệt với các hãng hàng không ngoại.…
Những rào cản này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới những "tay chơi mới" như Vietravel.