Tổ chức thành công Hội nghị APEC 2017 đã giúp Việt Nam nổi lên như một “ngôi sao” sáng trong quá trình toàn cầu hóa, hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư và thương mại quốc tế.
Việc tổ chức Hội nghị APEC 2017 một cách chuyên nghiệp khi đưa các sáng kiến vào Hội nghị cũng như việc điều phối quan hệ khôn khéo với hai siêu cường quốc là Trung Quốc và Mỹ… là những bằng chứng cho thấy sự thành công của Việt Nam trong năm APEC 2017.
“Bến đỗ” của dòng vốn FDI
Trong chuỗi hoạt động của sự kiện APEC 2017 ở Đà Nẵng, có tới gần 2.000 CEO và hơn 800 nhà lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất thế giới đăng ký tham dự APEC CEO Summit 2017 đã cho thấy sự kiện này là cơ hội quảng bá, giao lưu kinh tế rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm |
APEC CEO Summit đã thu hút sự tham gia của các tên tuổi lớn trong giới lãnh đạo của hầu hết các tập đoàn lớn nhất thế giới như Elon Musk, nhà sáng lập của Tesla Motors; Sheryl Sandberg, CEO của Facebook; Liam Mallon, Chủ tịch của ExxonMobil; Mark Konyn, Giám đốc đầu tư của AIA,… Trong đó, ExxoMobil quan tâm tới dự án phức hợp từ khí gas đến sản xuất điện năng Blue Whale, Walmart với kỳ vọng thiết lập hệ thống bán lẻ tại Việt Nam.
Đáng lưu ý, trước đó năm 2017 được dự đoán là năm khó khăn về thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam bởi chính sách của chính quyền Trump dường như khơi mào cho xu hướng bảo hộ, thay vì toàn cầu hóa. Thêm vào đó, Hiệp định TPP gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, với sức hút của APEC 2017, dòng FDI vào Việt Nam đã đạt gần 36 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ năm 2009, trong đó khoảng 25 tỷ USD từ các nền kinh tế APEC.
Từ khi Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998 đến nay, trừ hai thành viên APEC là Papua New Guinea và Peru, còn lại tất cả các nước thành viên khác đều có đầu tư ở Việt Nam. Tính đến 2017 thì tổng nguồn vốn FDI từ APEC vào Việt Nam đạt khoản 246,3 tỷ USD, tương đương 78,6% dòng vốn FDI vào Việt Nam trong gần 30 năm qua.
Nói cách khác, sự kiện APEC 2017 đã tạo ra sức hút đặc biệt cho nền kinh tế Việt Nam đối với dòng vốn FDI, và làm cho năm 2017 là năm đỉnh điểm của dòng vốn này, đặc biệt từ các nền kinh tế APEC.
Đồng thời, thương mại trong nội khối APEC trong vòng 30 năm qua đã tăng 6,7 lần với tổng giao dịch lên tới 20.000 tỷ USD trong năm 2015, điều này khẳng định tính năng động và phát triển mạnh mẽ của khu vực này.
Trong khi đó, với Việt Nam, trong giai đoạn 2006- 2016, thương mại giữa Việt Nam và các thành viên APEC tăng tới bốn lần, từ mức 66,3 tỷ USD lên 266 tỷ USD. Chỉ tính riêng chín tháng đầu năm 2017, thương mại giữa Việt Nam và khối APEC đã lên tới 237 tỷ USD.
Kỳ tích ngành du lịch
Có thể nói, du lịch là lĩnh vực được hưởng lợi đầu tiên từ sự kiện APEC 2017. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, những lợi ích này có lâu dài hay không tùy thuộc vào những nỗ lực thu hút và giữ khách của ngành du lịch Việt Nam.
Hội thảo Kỹ thuật về Du lịch Bền vững được tổ chức trong khuôn khổ cuộc họp của các quan chức cao cấp của APEC đầu năm 2017 là một trong những sáng kiến của Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch trong khối APEC.
Đến nay, Việt Nam đã bỏ visa đối với 9 nền kinh tế thành viên APEC và thực hiện cấp visa điện tử cho 3 nền kinh tế khác trong khu vực, tạo thuận lợi cho khách du lịch từ nhiều nước thành viên APEC.
Trong dịp APEC, Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu giữa các quan chức đến dự Hội nghị với các hoạt động văn hóa Việt, danh lam thắng cảnh, và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa khác. Cũng nhờ sự lan tỏa từ sự kiện này, mà du lịch Việt Nam đã có một năm thành công lớn với nhiều kỳ tích. Lượng khách du lịch vào Việt Nam năm 2017 đạt kỷ lục 12,8 triệu khách (dự báo cả năm), tăng 28% so với năm 2016. Tổng thu từ du lịch dự kiến đạt 23 tỷ USD, đóng góp 7% GDP. Năm 2017 cũng là năm mà Việt Nam được xếp vị trí thứ 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới.
Thách thức và kỳ vọng
Bất chấp những lo ngại ban đầu, năm 2017 với sự kiện APEC 2017 đã trở thành một năm thành công kỷ lục đối với ba lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đó là thu hút FDI, xuất khẩu, và du lịch. Chính những yếu tố này đã góp phần đạt tăng trưởng GDP ngoạn mục 6,81% của năm 2017. Chắc chắn những thành công đó có phần đóng góp quan trọng từ sự lan tỏa của APEC 2017.
Cùng với đó, Việt Nam là một nền kinh tế hướng về xuất khẩu và đang được xem là một quốc gia có nền chính trị ổn định. Đặc biệt sau sự kiện APEC 2017, Việt Nam đang nổi lên như “ngôi sao”của quá trình toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng những thách thức đặt ra để có thể biến những kỳ vọng, những tiềm năng này thành thực tế không phải là nhỏ. Những lo ngại về sự gián đoạn trong thương mại quốc tế vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Những trở ngại đối với nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn còn không ít. Để duy trì sức hút đối với các nhà đầu tư quốc tế hậu APEC 2017, thì Việt Nam cần nhiều cải cách hơn nữa nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn.
Những cải cách Luật du lịch, Luật doanh nghiệp, sự khích lệ của Chính phủ đối với phong trào khởi nghiệp… đúng vào Năm APEC 2017 đã tạo ra cơ hội quảng bá lớn cho Việt Nam với thế giới.
Hơn nữa, đúng vào lúc thế giới lo ngại chủ nghĩa bảo hộ thương mại thì những thành công từ sự kiện APEC 2017 lại càng có ý nghĩa hơn. Theo đó, Việt Nam hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào một năm mới 2018 sẽ có nhiều thành công hơn nữa trong thu hút dòng đầu tư, thương mại, và tăng trưởng.