Thanh toán không tiền mặt góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.
Đẩy mạnh vai trò thanh toán không tiền mặt
Năm 2021, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là một trong những giải pháp hữu hiệu để đạt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái “bình thường mới”.
Tại Lễ kích hoạt sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần hạn chế được lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian trong quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Đồng thời, đem lại nhiều lợi ích thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, kích cầu tiêu dùng, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; góp phần bình ổn giá cả, chống thất thu thuế, kiềm chế lạm phát, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bà Nguyễn Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) đã phát triển nhanh về quy mô với lợi thế xu hướng rõ rệt, thể hiện vai trò của mình trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, việc mua sắm không tiền mặt đã đi vào đời sống người dân một cách mạnh mẽ, thông qua các ứng dụng.
“Tuy nhiên, tỷ lệ TTKDTM khi mua hàng online vẫn thấp, dưới 10%, việc thanh toán qua bưu điện chiếm phần lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như vậy để thấy rằng, niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế với nền tảng TMĐT và các ứng dụng thanh toán trực tuyến hiện hành”, bà Huyền nói.
Nói về mục tiêu tăng tốc phát triển TTKDTM, bà Huyền cho biết thêm, vừa qua Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, giá trị TTKDTM gấp 25 lần GDP; TTKDTM trong TMĐT đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Liên quan đến lĩnh vực TMĐT, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam chia sẻ, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt của Lazada đã tăng trưởng hơn 30% mỗi tháng kể từ tháng 4/2021. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các đối tác để mang đến thêm nhiều chương trình hợp tác nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử và kinh tế số.
Số liệu của NHNN chỉ ra, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 97,3 triệu món, tương ứng với giá trị đạt 95,4 triệu tỉ đồng (tăng 3,3% về số lượng và tăng 41,3% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020).
Tính đến hết ngày 30/6/2021, tại Việt Nam có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 40 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và 37 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 16,3 triệu ví (tăng khoảng 2,7 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020).
Gia tăng trải nghiệm người dùng
Việc thúc đẩy TTKDTM ngày càng phổ biến hơn, nhưng đa số người dùng đều tập trung vào trải nghiệm thanh toán tốt như nhanh, tiện lợi, chính xác. Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, chị Nguyễn Khánh Linh (Hà Nội) cho biết, hiện nay rất nhiều người có tài khoản ngân hàng và bắt đầu thích sử dụng app thanh toán do thói quen ko giữ tiền mặt, tránh mất mát. Tuy nhiên, trải nghiệm thanh toán được ưa thích đó là quét mã QR code, chỉ cần mở app ngân hàng, quét và nhập số tiền là xong. Còn việc phải nhập số tài khoản rồi chuyển tiền thì theo chị Linh là khá dài dòng và bất tiện.
“Riêng trên các ứng dụng mua sắm online, mọi người thích thanh toán COD hơn là do nhập thông tin tài khoản thanh toán trên mạng sợ không an toàn bảo mật, có thể bị “hack” tài khoản mà nhiều người đã bị. Mặt khác, độ tín nhiệm hàng hoá trên không gian mạng còn thấp, người dùng muốn nhận hàng, kiểm tra rồi mới trả tiền, đề phòng trường hợp sai hỏng, thì có thể từ chối nhận hàng hoặc đổi trả được ngay”, chị Linh nói.
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), khoảng 15 - 20 năm trước, ở Việt Nam, người dân có thể đã sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa dịch vụ rồi. Nhưng lúc đó nhiều người thường nghĩ đến thẻ ATM chỉ dùng rút tiền. Đến nay, việc thanh toán không tiền mặt đã tăng lên khi người dân sử dụng điện thoại thông minh khá phổ biến. Chuyển khoản có thể là cách đơn giản nhất và gần đây là giải pháp chuyển khoản qua mã QR. Bên cạnh đó, người dân có thể thanh toán bằng thẻ, ví điện tử…
“Trong tương lai, dịch vụ Mobile Money được triển khai nữa thì người dân có thể dùng số điện thoại do nhà mạng cung cấp để thanh toán khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Do đó, người tiêu dùng nên mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, sẽ có những trải nghiệm rất thú vị”, ông Hùng khuyến khích.
Có thể thấy, TTKDTM góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, đẩy nhanh tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025
21:20, 28/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025
21:12, 06/09/2021
Doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn: Vẫn cần ngưỡng phù hợp
05:00, 12/06/2021