Cao su Đà Nẵng vừa có một quý đầu năm khởi sắc, nhưng đà tăng này khó giữ được từ quý II.
Thực tế cho thấy, ngành sản xuất săm lốp chịu tác động rất lớn từ giá nguyên liệu đầu vào và nhu cầu tiêu thụ cho ngành công nghiệp ô tô. Trong khi giá nguyên liệu giảm mạnh giúp nhóm doanh nghiệp này báo lãi lớn, thì rủi ro lại đến từ đầu ra của sản phẩm, đặc biệt là nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô.
Dịch COVID-19 mang lại điểm sáng kinh doanh
CTCP Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC) công bố BCTC quý 1/2020 với doanh thu giảm 2,4% so với cùng kỳ, đạt 803 tỷ đồng. Doanh thu của Cao su Đà Nẵng phần lớn đến từ sản xuất săm, lốp xe các loại, chiếm khoảng 99% tổng doanh thu.
Doanh thu giảm, tuy nhiên chi phí giá vốn lại giảm sâu hơn, đến 7,9% do giá nguyên, vật liệu giảm mạnh. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp thu về tăng 47,6% so với cùng kỳ, đạt hơn 118 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 15%.
Kết quả, quý 1 Cao cu Đà Nẵng báo lãi trước thuế 46,8 tỷ đồng, thực hiện được 96% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 37,44 tỷ đồng, tăng trưởng 122,6% so với lợi nhuận đạt được quý 1 năm ngoái.
Cao su Đà Nẵng cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh quý 2/2020 với tổng doanh thu dự kiến giảm 21% so với cùng kỳ, rơi vào khoảng 652 tỷ đồng còn kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 19%, đạt 37,7 tỷ đồng.
Giữa dịch COVID-19 mặc dù gây nhiều áp lực lên hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề, song ngược lại cũng mang lại nhiều cơ hội, trong đó tác động làm giảm cạnh tranh với Trung Quốc trong ngắn hạn với doanh nghiệp săm lốp. Cùng với đó, giá dầu giảm mạnh cũng là điểm sáng khiến biên lợi nhuận cải thiện đáng kể.
Với Cao su Đà Nẵng, trong bối cảnh giá than giảm mạnh 25% kể từ đầu năm, từ 45 USD/tấn xuống còn 34 USD/tấn, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và sụt giảm mạnh của giá dầu, ước tính biên lợi nhuận gộp quý1/2020 sẽ duy trì ở mức cao như quý 4/2019, khoảng 17,6%; Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận tại báo cáo mới nhất.
Hiện nay, giá cao su tự nhiên trên thế giới đang chứng kiến giảm mạnh và dự báo sẽ tiếp tục duy trì xu hướng này trong trường hợp dịch bệnh không sớm được kiểm soát. Tương tự, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ giảm trong khi các nước sản xuất dầu mỏ lớn không đạt được sự đồng thuận về kế hoạch cắt giảm sản lượng sẽ khiến giá dầu Brent và WTI lao dốc, kéo theo giảm giá của các tài nguyên cơ bản khác (than, chì…).
Đối với DRC, cao su và than là 2 loại nguyên vật liệu chính, chiếm tỷ trọng tương ứng 40% và 15% trong cơ cấu chi phí đầu vào. Trong năm 2019, biên lợi nhuận gộp của Công ty tăng mạnh từ 12,1% trong năm 2018 lên 14,8% nhờ sụt giảm mạnh của giá than. Vì vậy, MBS cho rằng sự sụt giảm về giá của cao su và than trong thời gian tới sẽ tạo nên tác động tích cực đối với DRC khi biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể.
Mặt khác, MBS cho rằng trong quý1/2020, dịch bệnh COVID-19 chưa tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh của DRC khi tồn kho nguyên vật liệu vẫn đủ dùng cho sản xuất đến hết kỳ. Hoạt động xuất khẩu các sản phẩm phương tiện vận tải và phụ tùng của cả nước vẫn ghi nhận tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ, riêng tháng 3 tăng 4,3% theo thống kê từ Tổng cục Hải Quan. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 17,4% trong tháng 3/2020 và 14,5% trong 3 tháng đầu năm.
Về dài hạn dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc khiến hoạt động sản xuất tại quốc gia này bị đình trệ và hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn. Điều này vô hình làm giảm bớt áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa đối với DRC khi săm lốp Trung Quốc có giá bán thấp hơn.
Thử thách đầu ra
Trong báo cáo thường niên 2019 của Cao su Đà Nẵng, ban lãnh đạo công ty cũng nhận định năm 2020 sẽ còn khó khăn hơn nhiều so với năm 2019 do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Ngành sắp lốp cũng chịu sức ép cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc ở thị trường Brazil và các thị trường nước ngoài khác khi các hãng lốp xe lớn của Trung Quốc đã chuyển nhà máy sản xuất sang khu vực Đông Nam Á và hưởng thuế xuất khẩu 0%.
Theo đó, Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2020 đạt 4.063 tỉ đồng, tăng 5% so với kết quả năm 2019. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 280 tỉ đồng, giảm 11%.
Tuy đạt những kết quả khả quan trong quý I, nhưng bước sang quý 2, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát mạnh mẽ tại Mỹ và châu Âu, khiến hoạt động sản xuất đình trệ và gián đoạn nguồn cung. Các vấn đề thiếu hụt linh kiện, phụ tùng và thậm chí phải tạm ngưng sản xuất đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô có thể xảy ra tại các thị trường này, khiến nhu cầu tiêu thụ săm lốp giảm.
Mặt khác, các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại nhằm kiềm chế bùng phát của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng đến KQKD của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất săm lốp có hoạt động xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao như DRC.
Nhìn về triển vọng kinh doanh 2020, nhiều thách thức lớn đang hiện hữu với Cao su Đà Nẵng bởi sản phẩm chính của DRC là săm lốp, yếm ô tô (chiếm 85,44% doanh thu), săm lốp xe máy (chiếm 9,36% doanh thu), săm lốp xe đạp (chiếm 4,87%). Tại DRC, 57,09% doanh thu đến từ thị trường nội địa, gần 43% đến từ xuất khẩu (chủ yếu xuất khẩu sang châu Mỹ, châu Á).
Như vậy, có thể thấy, thị trường tiêu thụ chính của nhóm cao su công nghiệp vẫn là trong nước và liên quan tới lĩnh vực ô tô, xe máy, trong khi ngành công nghiệp này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong quý I/2020, cả nước bán ra 52.557 ô tô các loại, giảm 32,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, xe lắp ráp trong nước đạt 33.174 xe, giảm 28% so với cùng kỳ và xe nhập khẩu đạt 19.383 xe, giảm 39% so với cùng kỳ. Mới đây, các hãng xe như Ford, Toyota, Honda, TC Motor (lắp ráp xe Hyundai), VinFast, Nissan, Yamaha đã công bố tạm ngưng hoạt động sản xuất ô tô, xe máy tại Việt Nam.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới sức mua trong nước, cũng như doanh số bán ra buộc các nhà sản xuất phải giảm công suất để chờ dịch qua đi, cũng như khôi phục lại sức mua.
Bài toán tiêu thụ sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp phụ trợ như cao su công nghiệp trong thời gian tới.
Sức khỏe tài chính của hai doanh nghiệp đầu ngành cao su công nghiệp không được đánh giá cao trong giai đoạn “tiền mặt là vua”. Về trung và dài hạn, nếu gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, DRC sẽ gặp áp lực lớn về dòng tiền.
Có thể bạn quan tâm