Kinh tế địa phương

Thái Bình: Quyết tâm giải phóng mặt bằng, tạo đà bứt phá kinh tế

Lan Vũ 11/04/2025 08:57

Giải phóng mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn” đối với các dự án và sự phát triển chung của tỉnh Thái Bình.

Một minh chứng điển hình cho tình trạng này là dự án đường vành đai phía Nam TP Thái Bình, một công trình giao thông huyết mạch với tổng chiều dài 8,37 km và tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Còn nhiều “điểm nghẽn”

Ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, đường vành đai phía Nam TP Thái Bình được kỳ vọng sẽ tạo ra một trục giao thông hiện đại, kết nối các khu vực kinh tế quan trọng của tỉnh Thái Bình. Theo đó, dự án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và nguồn vốn đầu tư đáng kể khi đã giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 là 25,3 tỷ đồng. Điều này, thể hiện quyết tâm cao của các cấp chính quyền trong việc đưa công trình vào sử dụng đúng tiến độ.

Thế nhưng, trên thực tế, tiến độ thi công dự án đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Suốt nhiều tháng qua, liên danh nhà thầu thi công dự án, bao gồm Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long, Công ty cổ phần 873 xây dựng công trình giao thông và Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75, phải "án binh bất động" khi vấp phải sự chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng từ gần chục hộ dân.

Screenshot 2025-04-10 134242
Khu công nghiệp Hải Long

Theo thông tin từ UBND huyện Vũ Thư, chính quyền địa phương đã nhiều lần tiến hành thương thuyết, vận động, đối thoại với các hộ dân, thậm chí Chủ tịch huyện đã trực tiếp xuống gặp gỡ, giải thích cặn kẽ về chính sách đền bù theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn giữ nguyên quan điểm không đồng thuận, viện dẫn lý do so sánh với các dự án khác và không chấp nhận khu đất tái định cư được bố trí do lo ngại về vấn đề mồ mả trước đây. Mặc dù huyện đã nỗ lực bố trí thêm hai khu tái định cư khác gần đó để người dân lựa chọn, nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan, buộc chính quyền phải lên phương án cưỡng chế thì các hộ dân mới chấp nhận phương án giải phóng mặt bằng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Khu công nghiệp Hải Long, một khu vực trọng điểm nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, nơi mà hạ tầng cơ bản đã gần như hoàn thiện để sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, một hộ dân làm nghề chăn nuôi vẫn kiên quyết không chịu di dời và bàn giao mặt bằng.

Theo ông Bùi Đức Thàn - Giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện Tiền Hải, trường hợp của hộ ông Vũ Văn Xuyên có 1,56 ha trang trại chăn nuôi lợn, một công trình xây dựng không có giấy phép, do đó chỉ được bồi thường, hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng theo quy định. Song, ông Xuyên không chấp nhận mức đền bù này và đòi hỏi một khoản kinh phí lớn hơn, tương đương với các công trình có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Mặc dù huyện Tiền Hải đã nhiều lần kiên trì vận động, đối thoại với gia đình ông Xuyên, lần gần nhất là vào ngày 30/3 vừa qua, nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra và vẫn là “điểm nghẽn” đối với sự phát triển chung của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan liên quan đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương, cơ sở, đặc biệt là nhận thức chưa đầy đủ của người đứng đầu về tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, sự vào cuộc chưa thực sự tích cực, quyết liệt của một số cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, cũng như năng lực, trình độ còn hạn chế của một bộ phận cán bộ, công chức cấp huyện và cơ sở cũng là những yếu tố cản trở. Công tác tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa và giá trị của các dự án đối với sự phát triển địa phương chưa phát huy hết hiệu quả, dẫn đến việc chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Quyết tâm khơi thông

Những ví dụ điển hình trên cho thấy, dù đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng đây vẫn là một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình. Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng cho 135 dự án khác với tổng diện tích gần 2.500 ha, trong đó đã hoàn thành hơn 1.500ha và gần 950ha đang trong quá trình thực hiện.

Screenshot 2025-04-10 135205
Dự án đường vành đai phía Nam TP Thái Bình

Nhằm quyết tâm khơi thông “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng. Nghị quyết nhấn mạnh việc xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng liên quan.

Bên cạnh các mục tiêu tổng quát, Nghị quyết số 10-NQ/TU cũng xác định rõ các mục tiêu cụ thể, mốc thời gian và tiến độ đối với các công trình, dự án trọng điểm đang triển khai, nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát, theo dõi, đánh giá và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Ngoài ra, tỉnh Thái Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm với 13 dự án được theo dõi, chỉ đạo thường xuyên. Các dự án như: Khu đô thị mới Kiến Giang, trung tâm điện – khí LNG, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khu công nghiệp VSIP Thái Bình, sân golf Cồn Vành, tuyến đường Thái Bình – cầu Nghìn, khu công nghiệp dược sinh học Quỳnh Phụ, cao tốc CT.08, sân golf Quỳnh Phụ, khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Vành...

Một động thái quyết liệt khác của tỉnh Thái Bình là việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND tỉnh, đồng thời kiện toàn và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác giải phóng mặt bằng tại các huyện, thành phố. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tập trung nguồn lực cho công tác này, ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện thu hồi đất và tạo quỹ đất sạch. Các cấp ủy đảng, chính quyền được yêu cầu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 một cách bài bản, có lộ trình và thời gian cụ thể, đặc biệt là tại các địa phương có dự án trọng điểm.

Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, tỉnh Thái Bình đang thể hiện sự quyết tâm cao trong việc khơi thông "điểm nghẽn" giải phóng mặt bằng, tạo tiền đề vững chắc để các dự án trọng điểm được triển khai đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đưa Thái Bình vươn mình mạnh mẽ trên con đường phát triển. Sự chuyển biến tích cực trong công tác này không chỉ là yếu tố then chốt để hoàn thành các mục tiêu phát triển ngắn hạn mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của tỉnh trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Quyết tâm giải phóng mặt bằng, tạo đà bứt phá kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO