Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến hết tháng 6 năm 2020, 100% văn bản điện tử được gửi, nhận ở cả 4 cấp chính quyền đáp ứng yêu cầu về nội dung, thẩm quyền, thể thức, ký số và xác thực theo quy định.
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương ngày 12/2/2020.
Thông báo nêu rõ, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm cuối của giai đoạn 2019-2020 thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử đặt ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Chính phủ điện tử là thay đổi cách thức vận hành của Chính phủ, của chính quyền các cấp, người đứng đầu các cấp có vai trò quyết định, không chỉ dẫn dắt quá trình thay đổi mà còn phải là người sử dụng đầu tiên và thường xuyên, hàng ngày các ứng dụng Chính phủ điện tử. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu này và trực tiếp chỉ đạo, triển khai, sử dụng các ứng dụng Chính phủ điện tử, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; căn cứ chế độ báo cáo đã được chuẩn hóa, thực hiện việc số hóa báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để từng bước quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu. Các bộ, cơ quan, địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm khẩn trương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
19:03, 10/04/2019
01:00, 14/03/2019
20:07, 13/07/2018
Đến hết năm 2020, 100% các Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung một cách phù hợp, bảo đảm hiệu quả; tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử kết hợp với an toàn, an ninh mạng, không chỉ cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin mà còn cho cán bộ, công chức, viên chức để thay đổi tư duy, nhận thức, đổi mới lề lối, phương thức làm việc trên môi trường điện tử. Bố trí ngân sách hàng năm, dành một tỷ lệ nhất định cho công tác này.