Chính trị - Xã hội

Tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế cách nào?

LAM SONG 06/08/2024 01:02

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã trả lời câu hỏi về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy ra ở một số bệnh viện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để thực hiện việc mua sắm thuốc, vật tư y tế tại cơ sở y tế, có 2 yếu tố cần phải thực hiện. Thứ nhất là về thể chế, có nghĩa là thực hiện các văn bản liên quan như nghị định, thông tư liên quan đến vấn đề mua sắm thuốc và vật tư y tế. Thứ hai là tổ chức thực hiện tại các địa phương, các cơ sở y tế.

“Trong trường hợp thể chế đã hoàn thiện, đầy đủ rồi, nhưng đến khâu tổ chức thực hiện các địa phương gặp vấn đề thì việc mua sắm thuốc, vật tư sẽ khó thực hiện được” – ông Tuyên.

nguyen van tuyen
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên về việc mua sắm thuốc, vật tư y tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau COVID-19, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nhưng chỉ ở một số đơn vị, một số địa phương, và ở một số thời điểm nhất định hoặc thiếu một số loại thuốc cụ thể. “Bộ Y tế đã nhận diện được vấn đề này và cũng đã đề ra những giải pháp khắc phục. Cụ thể là tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các thông tư, hoặc tham mưu trình các dự án theo thẩm quyền” – ông Tuyên nói.

Về phía Bộ Y tế, ông Tuyên cho biết, ngay từ năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Đây là Nghị quyết có nhiều ý nghĩa trong vấn đề cấp sổ đăng ký lưu hành thuốc.

Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, Bộ Y tế cũng đã trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5, dự kiến trình thông qua vào tháng 10. Khi được thông qua, sẽ cải cách hành chính giải quyết được vấn đề cấp giấy đăng ký, gia hạn thuốc.

Nghị quyết số 30/2023/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng, mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã tham mưu và trình Quốc hội thông qua các Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2024; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình ban hành Luật Đấu thầu; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Luật giá.

Sau khi các Luật này được ban hành, Bộ Y tế đã ban hành Nghị định 96/2023 thi hành Luật Khám chữa bệnh. Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Bộ Y tế cũng tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 88 sửa đổi bổ sung các Nghị định 54 và 155 liên quan đến thi hành Luật Dược.

Đó là về chức năng tham mưu và phối hợp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ động ban hành các Thông tư về Danh mục thuốc, đàm phán giá; thông tư về danh mục thuốc đấu thầu tập trung nhằm thực hiện theo Luật Đấu thầu.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư 07/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế. Thông tư này rất quan trọng, hướng dẫn quy trình thực hiện theo từng bước cụ thể. Dựa trên thông tư này, các địa phương, cơ sở đã thực hiện công tác đấu thầu rất tốt.

Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện 2 luật rất quan trọng đó là Luật Dược sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2024. Nếu Luật Dược sửa đổi được Quốc hội thông qua thì 5 chính sách trong Luật này cơ bản nhằm cải cách thủ tục hành chính rất mạnh theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, để có thể đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Từ đó, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhập nguyên liệu, nhập thuốc sản xuất, cung ứng trong cơ sở y tế. Đây sẽ là điều kiện để bảo đảm về thuốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra 4 điểm mới trong các chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.

Thứ nhất, cho sử dụng một giấy báo giá, hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Trước đây chúng ta phải lấy 3 giấy báo giá, giờ chỉ cần 1 giấy báo giá.

Thứ hai, cho phép lấy báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế và yêu cầu chuyên môn. Việc này rất quan trọng, bởi để mua một thiết bị, hóa chất thì có một hội đồng chuyên môn của cơ sở y tế đánh giá, đề xuất.

Thứ ba, được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.

Thứ tư, quy định cụ thể các trường hợp khẩn cấp, dịch bệnh, cấp cứu sẽ được áp dụng các chỉ định thầu.

Thứ năm, được áp tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% số lượng đã ký hợp trước đó. Tức là hợp đồng trước đó đã được thực hiện, và trong trường hợp cần thiết thì được phép ký hợp đồng mua 30% của số lượng.

“Đó là 5 điểm mới mà trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Qua quá trình đi khảo sát, để hoàn thiện thể chế trong khâu đấu thầu và mua sắm thuốc, vật tư y tế, những điểm mới trên cơ bản đã đáp ứng đầy đủ cho công tác đấu thầu được công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm” – Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO