Chính sách tiền tệ, cụ thể là chính sách lãi suất chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi nó được phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
LTS: Trong thời điểm dịch bệnh kéo dài như hiện nay, mỗi quyết định điều hành lãi suất mà các ngân hàng trung ương đưa ra đều cần cân nhắc, dựa trên bối cảnh lạm phát, cùng tính toán về cân đối mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Không phải bình thường khi hai cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 và 9 Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề xem xét chính sách tiền tệ hiện nay, gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lần thứ nhất, Thủ tướng đặt “đề bài”, việc duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ như hiện nay có đúng hay không, khi mà nhiều nước bơm tiền, tăng thâm hụt ngân sách để kích thích tăng trưởng kinh tế. Lần thứ hai, Thủ tướng nhận định dư địa chính sách tài chính, tiền tệ còn lớn cho kích cầu; tiếp tục xem xét hạ lãi suất cho vay, giảm thuế phí.
Trước vấn đề Thủ tướng Chính phủ đặt ra nói trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa qua cũng đã gợi mở hướng xem xét giải pháp mạnh, nếu cần, bơm tiền qua tái cấp vốn các dự án trọng điểm. Theo đó, hoạt động bơm tiền năm nay có thể sẽ thể hiện rõ hơn về lượng vào nửa cuối năm.
Tất nhiên, “bơm tiền” năm 2020 không chỉ riêng ở chính sách tiền tệ. Hiện Chính phủ cũng đang ráo riết thúc đẩy, để làm sao bơm được tiền ra ở kênh giải ngân đầu tư công, với quy mô lên tới 700.000 tỷ đồng mà nửa đầu năm mới chỉ thực hiện được khoảng 33%.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC Việt Nam cho rằng, quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng thích ứng, giúp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mức lãi suất vay thực tế thời gian tới có thể giảm thêm so với hiện tại từ 1-2%/năm và các doanh nghiệp lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây chính là câu chuyện phải quan tâm. Lý do bởi những doanh nghiệp nhỏ và vừa mới là địa chỉ đang cần “tiền tươi thóc thật” để thanh toán những khoản nợ hiện hữu và vực dậy kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Giảm lãi suất điều hành sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng?
05:30, 15/08/2020
Có nên cắt giảm thêm lãi suất điều hành?
06:00, 03/08/2020
Cần tiếp tục giảm lãi vay trên dư nợ hiện có
05:59, 09/09/2020
GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Ngân hàng giảm lãi vay, doanh nghiệp vẫn khó lách khe cửa vốn
05:56, 09/05/2020
Rộng dư địa giảm lãi vay
11:30, 31/03/2020