Sẽ còn rất nhiều điều để nói về những con người tâm huyết, về ông Park, về các cầu thủ, về bóng đá và cũng chính là công thức thành công trong cuộc sống.
Ngay lúc này và có thể nhiều ngày sau nữa, đỉnh vinh quang khu vực của bóng đá Việt Nam sẽ còn được nhắc đến rất nhiều. Chắc chắn như vậy, “Park Hang - Seo”, “AFF Cup 2018”, “Đội tuyển bóng đá Việt Nam”, “Việt Nam vô địch”… là những từ khóa chủ đạo trên mọi công cụ tìm kiếm không gian mạng, cả những câu chuyện trong chăn ấm, bên tách cà phê nóng hổi buổi sáng...
Nhưng mọi con đường dẫn đến thành công hay thất bại đều có điểm khởi đầu. Sẽ không đúng và rất… sai nếu không dành một lời cảm ơn đến những doanh nhân, trong đó có ông Đoàn Nguyên Đức.
Trên sân Mỹ Đình tối qua (15/12) không thấy ông xuất hiện, nhưng tất cả chúng ta - nếu dõi theo bóng đá Việt Nam hơn 10 năm nay không thể không nhớ đến người đàn ông giản dị này.
Ông chủ câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai là người đích thân sang tận Hàn Quốc mời ông Park về với bóng đá Việt Nam. Hơn một năm qua, doanh nhân này chi 19 tỷ đồng trả lương cho ông thầy người Hàn. Đáng trân trọng vì đó là những đồng tiền không vụ lợi.
Và cũng chính ông Đoàn Nguyên Đức phải từ bỏ ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF vì không có… bằng đại học. Vâng! Bóng đá và tấm bằng đại học, dễ tìm thôi, nhưng rất khó kiếm nơi đâu trên đất nước này một người dám chặt bỏ 10 ha cao su, đầu tư hàng triệu "đô" mở học viện bóng đá. Báo chí vẫn còn lưu lại những bài viết và hằng hà sa số ý kiến nói rằng “ông Đức khùng”.
Có thể bạn quan tâm
20:18, 15/12/2018
21:48, 15/12/2018
“Những đứa trẻ nhà bầu Đức” dù không là nòng cốt trong chức vô địch này nhưng một nền bóng đá từng bệ rạc trong thời điểm ông Đức tiên phong dấn thân vào khâu đào tạo trẻ một cách bài bản đã thổi sinh khí vào những doanh nhân khác như bầu Long, bầu Kiên, bầu Hiển… để tạo ra những Quang Hải, Văn Hậu, Văn Đức, Đình Trọng…
Nếu ai còn nhớ những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Hồng Duy… đã từng chơi thứ bóng đá hoa mỹ, làm xao xuyến hàng triệu trái tim thì mới nhận thấy rằng đó là lúc niềm tin của người hâm mộ bắt đầu được vực dậy.
HAGL tạo ra cơn “sốt” từ các sân phủi cho đến “chảo lửa” Mỹ Đình, từ miền Tây sông nước ra đến thủ đô. Đó là liều thuốc tinh thần để những cá nhân tâm huyết tìm ra con đường đi cho bóng đá dẫn đến kết quả mỹ mãn như hôm nay.
Ánh hào quang của “những đứa trẻ nhà bầu Đức” là đòn bẩy cho lứa cầu thủ tiếp theo - để họ thấy rằng, bóng đá “sạch”, bóng đá vì hâm mộ là con đường đúng đắn để tạo dựng sự nghiệp cá nhân, mang vinh quang về cho gia đình, Tổ quốc.
Nhưng, trong những lúc khó khăn nhất người hâm mộ dường như bị hút cạn niềm tin bởi những lùm xùm nơi VFF. Họ làm được gì cho bóng đá Việt Nam trong thời điểm khó khăn - ngoài những tranh cãi về “tiêu chuẩn lãnh đạo” để những con người tâm huyết như ông Đức phải rũ áo ra đi.
Chắc chắn, mọi nỗ lực như của bầu Đức sẽ không đi đến đâu nếu trên sân cỏ thiếu đi một vị thuyền trưởng “túc kế đa mưu” như ngài Park Hang - Seo. Một người từng đóng vai trò quan trọng trong chiến tích lịch sử của bóng đá Hàn Quốc năm 2002 hẳn nhiên có tố chất “không bình thường”.
Dàn quân dưới thời ông Park chơi gắn kết lạ thường, họ chiến đấu thật sự vì trách nhiệm với người hâm mộ, phải gọi đó là “tinh thần dân tộc” vì màu cờ sắc áo và giọt nước mắt khi bài “Tiến quân ca” vang lên.
Philippines được dẫn dắt bởi nhà cầm quân hàng đầu thế giới như Sven-Goran Erikson, vẫn có trong tay những cá nhân xuất sắc. Nhưng vì sao họ trình diễn lối chơi thiếu gắn kết? Dù tế nhị nhưng cần phải thấy rằng, đó là sự đồng điệu chưa được hòa phối bởi những cầu thủ nhập tịch từ nhiều quốc gia.
Cổ nhân nói “dụng nhân như dụng mộc” chân lý này rất rõ trong thế giới bóng đá, khi mà mỗi quyết định nhân sự cho đội hình đá chính, đến những nhân tố đóng vai “lá bài ẩn”… là điều tối quan trọng quyết định cục diện thắng hay thua.
Năm 2018, bóng đá Việt Nam trải qua 3 giải đấu lớn, từ á quân U23 Châu Á, đến top 4 đội mạnh nhất Asiad 18 và bây giờ là chức vô địch AFF Cup. Giới chuyên môn và người hâm mộ thật sự ngã mũ thán phục trước tài bày binh bố trận của chiến lược gia Park Hang - Seo.
Không ai nghĩ một Trọng Hoàng đã luống tuổi vốn đóng đinh ở vị trí tiền vệ trung tâm tấn công. Nhưng ông Park đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, khả năng con người là vô hạn - bằng cách kéo Hoàng “bò” ra sát biên chơi phòng thủ!
Một Văn Đức tuy nhỏ con nhưng vẫn được bố trí chơi trên hàng tấn công, đối mặt với hàng thủ cơ bắp của Malaysia, Myanmar, Philippines. Vâng! Ông Park một lần nữa cho thấy sự nhanh nhẹn của Văn Đức lợi hại như thế nào trước khung thành đối phương.
Anh Đức - tác giả tuyệt phẩm duy nhất trong trận chung kết lượt về, được điền tên… lên băng ghế dự bị trong trận làm khách ở Bukit Jalil. Quả thật, thời gian hồi phục thể lực được cụ thể hóa bằng “gáo nước lạnh” dội vào quyết tâm hừng hực của thầy trò ông Tan Chang - Hoe.
Sẽ còn rất nhiều điều để nói về những con người tâm huyết, về ông Park, về các cầu thủ, về bóng đá và cũng chính là công thức thành công trong cuộc sống.
Mặc dù có những lùm xùm nơi VFF, thế nhưng không thể phủ nhận hiệu ứng bóng đá Việt Nam và cơ chế cởi mở của VFF đã tạo điều kiện cho giới doanh nhân trở lại với bóng đá. Chính họ với nguồn lực tài chính dồi dào và tư duy táo bạo đã đang và sẽ tiếp tục tạo ra những cuộc cách mạng cho bóng đá Việt Nam.