Sự đình trệ của hàng loạt dự án BT khi việc sử dụng tài sản công - đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư BT ký kết hợp đồng sau ngày 1/1/2018 được dừng lại, gây thiệt hại lớn cho các địa phương.
Cùng với đó, kể từ thời điểm các bộ, ngành, địa phương dừng thực hiện các dự án BT đến nay đã hơn 1 năm, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa thể hoàn tất dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng: tính tới giữa tháng 6, thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trong nước vào đầu tư như Tập đoàn FLC, Tập đoàn Geleximco, Công ty cổ phần Lavifood…với có 43 dự án đầu tư được cấp mới và 21 dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 490,31 triệu USD, số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn thành phố là 656 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 17,37 tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong thu hút đầu tư như công tác giải phóng mặt bằng tại một số quận, huyện vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc trong thu hồi đất, điển hình như: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; các tuyến đường kết nối với cầu Đăng, cầu Hàn….
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh tới việc thực hiện cam kết theo hợp đồng BT với các chủ đầu tư còn chậm gây nguy cơ phát sinh thêm lãi suất phải thanh toán cho nhà đầu tư.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, việc tạm dừng thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) được áp dụng khi Bộ Tài chính có văn bản gửi địa phương về việc tạm dừng sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT đã gây khó cho địa phương.
Nhưng trước đó, TP Hải Phòng đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư thực hiện công trình hạ tầng trên địa bàn. "Nhiều dự án đã hoàn thành lớn khối lượng, nhưng thành phố không thanh toán được đất đai cho nhà đầu tư theo cam kết, nên phải chịu lãi vay cao, gây thiệt hại lớn cho thành phố", ông Tùng cho biết.
Được biết, tại TP Hải Phòng hiện có nhiều nhà đầu tư BT chờ thanh toán đất đối ứng đã thi công dự án, công trình cầm chừng khiến nhiều dự án hạ tầng trên địa bàn chậm tiến độ.
Trên thực tế, vướng mắc trong việc thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư BT đã tồn tại hơn một năm qua và Hải Phòng cũng không phải là địa phương duy nhất. Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương diễn ra cuối năm 2018, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Cần Thơ cũng đã kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư BT.
Trước đó, từ tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT. Tuy nhiên, đến nay, văn bản này vẫn chưa được ban hành.
Trong thời gian đó, Bộ Tài chính đã có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương từ 1/1/2018 dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư cho đến khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực.
Có thể bạn quan tâm
14:20, 31/05/2019
15:34, 30/05/2019
06:16, 24/05/2019
17:30, 20/05/2019
09:30, 20/05/2019
11:45, 16/05/2019
11:00, 14/05/2019
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. Cụ thể, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết.
Đối với các Hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018 yêu cầu các Bộ, ngành địa phương rà soát lại nội dung của hợp đồng, nếu phù hợp với quy định của pháp luật thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo quy định của Hợp đồng BT.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có ý kiến yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công (chủ yếu là đất quy đổi) cho các nhà đầu tư dự án BT sau khi các dự án này hoàn thành.
“Tuy nhiên Hải Phòng và một số địa phương vẫn đang thực hiện các dự án sau ngày 1/1/2018. Đặc biệt, theo hợp đồng ký kết thành phố phải chịu lãi vay khi thực hiện thanh toán chậm, điều này thiệt hại với thành phố là tương đối lớn. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về sử dụng tài sản công để địa phương thực hiện thanh toán cho các nhà đầu tư với các dự án sau ngày 1/1/2018”, ông Nguyễn Văn Tùng kiến nghị.
Cho ý kiến về những kiến nghị của TP Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định đây là địa phương có mức tăng trưởng GDP cao, 2018 là 16,5%, thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng hiệu quả.
“Những kiến nghị của Hải Phòng cũng là những vấn đề thiết thực cho các tỉnh thành khác, thậm chí cho cấp vĩ mô trong trách nhiệm thuộc về các bộ ngành”, Thủ tướng nhấn mạnh.