Nghiên cứu - Trao đổi

Thu giữ tài sản bảo đảm: Cần luật hoá nhưng không thể buông lỏng giám sát

Gia Linh 04/04/2025 11:05

Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng bổ sung quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm vẫn đang có nhiều tranh luận về tính pháp lý và hiệu quả xử lý nợ xấu…

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

thu-giu-tai-san-dam-bao-can-luat-hoa-nhung-khong-the-buong-long-giam-sat-1.jpg
Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng bổ sung quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm vẫn đang có nhiều tranh luận về tính pháp lý và hiệu quả xử lý nợ xấu. Ảnh minh hoạ

Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là việc luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó có đề xuất bổ sung điều 198a quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 là cấp thiết nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài cho hoạt động xử lý nợ xấu, sau khi nghị quyết hết hiệu lực. Cụ thể, quy định mới sẽ xác lập rõ quyền của các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán và xử lý nợ trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của khách hàng vay vốn vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn đang vướng phải nhiều quan điểm trái chiều từ các chuyên gia và cơ quan chức năng.

Theo đánh giá của Bộ Công an, Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả tích cực trong xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ, góp phần ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng. Tuy vậy, qua quá trình thực hiện, Bộ cũng chỉ ra nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan đến các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản trong thi hành án và hoàn trả tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự.

Bộ Công an đồng tình với việc cần luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 để tạo nền tảng pháp lý ổn định. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng với các luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Đất đai, Luật Hình sự... nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tránh chồng chéo, xung đột pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đề xuất cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đặc biệt yêu cầu Tòa án giải quyết trong trường hợp người đang giữ tài sản bảo đảm không hợp tác giao nộp tài sản cho tổ chức tín dụng. Điều này sẽ rút ngắn thời gian xử lý, đồng thời cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án một cách hiệu quả, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức tín dụng.

Liên quan tới nội dung này, phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo luật do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 1/4 vừa qua, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm là cần thiết trong bối cảnh xử lý nợ xấu còn nhiều ách tắc.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cảnh báo rằng, nếu không có cơ chế kiểm soát minh bạch, quy định này có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, xâm phạm quyền tài sản của công dân.

"Ở nhiều quốc gia, quyền thu giữ tài sản bảo đảm thường gắn với điều kiện rất chặt chẽ và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan tư pháp. Nếu giao hoàn toàn quyền thu giữ cho tổ chức tín dụng mà thiếu cơ chế giám sát độc lập, sẽ tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn về lạm dụng và xung đột pháp lý", TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Đồng quan điểm, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đôc Công ty Luật EMME Law cũng cho rằng, việc quy định quyền thu giữ tài sản cần được đặt trong khuôn khổ một thủ tục pháp lý minh bạch. Tòa án cần là chủ thể quyết định cuối cùng về tính hợp pháp của việc thu giữ. Việc này không chỉ bảo vệ quyền của người vay mà còn tránh rủi ro pháp lý cho chính tổ chức tín dụng trong trường hợp bị kiện ngược.

Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan tư pháp, luật sư, chuyên gia kinh tế và các tổ chức xã hội để hoàn thiện dự thảo. Đồng thời, cần xây dựng một cơ chế giám sát độc lập, minh bạch đối với quá trình thu giữ tài sản, bảo đảm các quy trình này không trở thành công cụ bị lạm dụng.

“Việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm nếu được thiết kế hợp lý, minh bạch sẽ là cú hích mạnh mẽ cho tiến trình xử lý nợ xấu. Nhưng nếu thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, đó cũng có thể là cánh cửa mở ra nhiều tranh chấp và rủi ro pháp lý trong tương lai. Vì vậy, mọi sửa đổi liên quan đến quyền tài sản cần được cân nhắc cẩn trọng, đặt trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia” - Giám đôc Công ty Luật EMME Law nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu giữ tài sản bảo đảm: Cần luật hoá nhưng không thể buông lỏng giám sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO