Chính trị - Xã hội

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Nguyễn Việt 21/08/2024 06:03

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để sớm trình các cấp có thẩm quyền.

Ngày 19/8/2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 391/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại Phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo.

đường sắt cao tốc
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037. Ảnh minh hoạ

Theo thông báo kết luận, sau phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, các bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong triển khai các nhiệm vụ, tập trung vào công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành, đã báo cáo Chính phủ về Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đã phê duyệt dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, hoàn thành đưa vào khai thác đoạn còn lại của dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt...

Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để sớm trình các cấp có thẩm quyền.

Trước đó, báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết giữ nguyên phương án tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến có vận tốc thiết kế 350 km/h, dài khoảng 1.500km, phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, trong khi đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ chuyển sang chủ yếu vận tải hàng, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình đánh giá nếu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được xây dựng sẽ chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ, di chuyển bằng đường sắt mức độ an toàn rất cao.

Vẫn theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, đường sắt cao tốc nên thiết kế 350 km/h. Bởi chi phí xây dựng đường sắt tốc độ 350 km/h chỉ cao hơn đường sắt tốc độ 150-200 km/h khoảng 15-20%.

“Trong khi thời gian di chuyển tiết kiệm hơn sẽ thu hút khách hàng hơn nếu so với hàng không, nhất là với những chặng đường dài”, ông Bình bày tỏ.

Tuy nhiên, GS,TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng nên chọn làm tuyến đường sắt tốc độ cao trên, dưới 200k m/giờ để vừa chở được khách và hàng.

Nếu tốc độ cao không thể vừa chở khách và hàng, trường hợp muốn chở cả khách và hàng phải giảm tốc độ, khiến năng lực thông quan giảm.

"Mặc dù vận tải đường thuỷ nội địa, đường biển có ưu thế về chi phí, nhưng thời gian kéo dài, bốc dỡ nhiều lần, nên đây là cơ hội rất lớn để ngành đường sắt tăng thị phần vận tải hàng hoá đường dài, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế", GS.TS Lã Ngọc Khuê phân tích.

GS,TS Lã Ngọc Khuê nhận định, Việt Nam chưa làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao. Nếu lựa chọn tốc độ 350 km/giờ thì sự phụ thuộc của nước ta vào đối tác nước ngoài sẽ còn lớn hơn nhiều, không chỉ trong xây dựng triển khai dự án mà còn trong suốt vòng đời vận hành dự án về sau.

"Sự thua lỗ cùng với những hệ lụy nặng nề đối với kinh tế - xã hội không thể lường hết", GS,TS Lã Ngọc Khuê nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO